Giải bài toán khó chương trình truyền hình vì cộng đồng

Không phải chương trình truyền hình vì cộng đồng nào cũng có được may mắn như trường hợp Như chưa hề có cuộc chia ly. Bài toán kinh phí cùng vô vàn khó khăn luôn là những thách thức lớn.
Những chương trình thiện nguyện vẫn luôn nhận được sự quan tâm của khán giả
Những chương trình thiện nguyện vẫn luôn nhận được sự quan tâm của khán giả

Dấu lặng buồn

Điểm mặt những chương trình truyền hình thiện nguyện, vì cộng đồng đang có mặt trên các kênh sóng hiện nay chỉ còn vài cái tên nổi bật, như: Như chưa hề có cuộc chia ly, Vì bạn xứng đáng, Cặp lá yêu thương, Cùng xây ngôi nhà mơ ước, Kiến tạo nhịp cầu, Thần tài gõ cửa, Cơ hội đến… Đa số không được lên sóng trong khung giờ vàng của đài truyền hình. Điều này hoàn toàn đối lập với mảng gameshow, truyền hình thực tế, dù đang trong giai đoạn bão hòa nhưng vẫn phủ sóng khắp các kênh sóng và đại đa số chiếm lĩnh những khung giờ đẹp nhất.

Trong vài năm trở lại đây, các chương trình truyền hình vì cộng đồng cứ dần dần… rơi rụng gây nuối tiếc cho khán giả. Những thương hiệu đình đám: Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng, Ngôi nhà mơ ước, Tiếp sức hồi sinh, Ước mơ từ làng… từng là niềm tự hào của các đơn vị sản xuất, niềm mong mỏi của khán giả, cũng không thể trụ vững. Đại diện một đơn vị có thâm niên sản xuất các chương trình này, từng thở dài ngao ngán: “Chọn sản xuất các chương trình thiện nguyện, vì cộng đồng là chọn con đường khó và ngay từ đầu chúng tôi luôn xác định, làm được đến đâu hay đến đó bằng tất cả nỗ lực của mình. Khi chương trình đang được khán giả yêu thích, đón nhận, phải dừng lại là chuyện cực chẳng đã. Khán giả tiếc một thì chúng tôi tiếc mười, vì có đi đến với những vùng sâu, vùng xa gặp những hoàn cảnh bất hạnh mới thấy, niềm tin - hy vọng mỗi chương trình mang đến cho bà con quý giá đến nhường nào”.

Trong khi đó, khi phải báo tin hoạt động lan tỏa nhân ái, chương trình truyền hình thực tế Như chưa hề có cuộc chia ly nói lời… chia ly với khán giả sau 13 năm, nhà báo Thu Uyên tâm sự: “Chúng tôi thu mình lại để làm tốt nhất có thể 2 hoạt động quan trọng còn lại là tìm kiếm và đoàn tụ thân nhân. Thu mình lại sẽ giúp chúng tôi tập trung hơn để càng nhanh càng tốt việc đoàn tụ cho những hồ sơ thất lạc đang xếp hàng chờ xử lý. Chia ly một phần của dự án, chia ly với hàng triệu khán giả truyền hình, là điều chúng tôi phải quyết định trong sự bất lực. Hoài bão lan tỏa nhân ái sẽ tạm khép lại”.

Từng theo chân ê kíp thực hiện chương trình Nhịp cầu ước mơ hay Kiến tạo nhịp cầu mới thấy hết niềm hân hoan, hạnh phúc của bà con nghèo khi nơi mình ở sắp có thêm nhịp cầu nối bờ vui. Nếu phải dừng lại, thực sự là dấu lặng buồn.

Đổi mới

Kinh phí duy trì các chương trình này là thách thức lớn với các đơn vị sản xuất. Nhiều chương trình phải tạm dừng đa phần cũng bởi lý do nói trên. MC Đỗ Thụy, người gắn bó với các chương trình Cùng xây ngôi nhà mơ ước, Xin chào cuộc sống chia sẻ rằng, ê kíp thực hiện luôn có những sự chuẩn bị cho các bài toán khó.

Một thực tế, hầu hết các gameshow, truyền hình thực tế trên sóng hiện nay đều là kết quả của sự hợp tác giữa đài truyền hình và các đơn vị tư nhân. Do đó, vấn đề tài chính phải tự chủ. Không ít chương trình giải trí cũng phải tạm ngưng do không còn thu hút nhà tài trợ, quảng cáo. Phía nhà đài, tất nhiên luôn cần các chương trình thiện nguyện để tạo uy tín, nhưng việc cân bằng nguồn thu từ các chương trình giải trí đặt ra nhiều thách thức. Đó là một cuộc giằng co khốc liệt.

Nhưng, nói như thế không có nghĩa các chương trình truyền hình vì cộng đồng đang bị quay lưng. Nhà báo Thu Uyên chia sẻ: “13 năm qua, đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy mức độ quan tâm quá lớn mà cộng đồng dành cho Như chưa hề có cuộc chia ly. Những trang tin tức dành cho mọi độ tuổi, những bài viết trên các trang cộng đồng với hàng trăm ngàn lượt tương tác. Sự động viên, sẻ chia và yêu thương dồn về tới tấp. Những người thực hiện chương trình thật sự đã sốc trước tình cảm to lớn đó”.

Ý nghĩa và giá trị các chương trình truyền hình vì cộng đồng là điều không thể phủ nhận. Nhưng trong dòng chảy chung của truyền hình, trước những thách thức sự thay đổi phải là tất yếu. Ở thời điểm lên sóng chương trình Cùng xây ước mơ (năm 2017), MC Phước Lập, đại diện ê kíp sản xuất chương trình, nhấn mạnh: “Khó khăn lớn nhất là làm sao để đưa vào đó những cái mới mẻ. Những chương trình truyền hình vì cộng đồng cần sự chuyển động để kể một câu chuyện phù hợp với thời đại mà vẫn toát lên sự tận tụy, yêu thương”. Theo MC Đỗ Thụy, để thu hút sự quan tâm, cần hiểu rõ sở thích của khán giả. “Tôi nghĩ chương trình xã hội cần luôn mới trong từng lần lên sóng và đảm bảo nội dung sâu sắc, tế nhị và chân thật; hình thức văn minh, mang tính thẩm mỹ cao, không mang tinh thần ủy mị mà lạc quan, có niềm tin, gợi cảm hứng tích cực”, chị nhấn mạnh.

Ca sĩ Hà Anh Tuấn, một trong những nghệ sĩ đầu tiên hỗ trợ chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, chia sẻ: “Đã đến lúc những người thực hiện có thể nghĩ đến một định dạng khác, không nhất thiết cứ phải là một chương trình truyền hình. Tài sản quý giá nhất của chương trình chính là hệ thống hơn 10.000 tình nguyện viên khắp nơi. Nếu có thể lan tỏa, biến thành một thông điệp tình nguyện cho hàng triệu người Việt Nam, Như chưa hề có cuộc chia ly sẽ trở thành một thương hiệu văn hóa xã hội đáng quý của Việt Nam”.

Tin cùng chuyên mục