Giấc mơ cho con học trường điểm

Với cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phát triển toàn diện; nhưng điều quan trọng hơn học sinh phải có tố chất thông minh, năng khiếu và chịu học, đủ sức học theo kịp bạn bè. 
Học sinh một trường tiểu học tại quận 3. Ảnh minh họa: TIỂU TÂN
Học sinh một trường tiểu học tại quận 3. Ảnh minh họa: TIỂU TÂN
Tôi nhất trí với nội dung bài Không nhất thiết phải vào trường điểm, đăng trên Báo SGGP ngày 29-6. Là một giáo viên, tôi xin góp thêm ý kiến về việc này. 
Cách nay 2 năm, vào dịp đầu năm học, tôi có tiếp một phụ huynh nằng nặc xin cho con mình mới xét tuyển vào lớp 1 chuyển sang một trường được xem là trường điểm của huyện, dù trường này cách xa nhà chị đến 20km. Tôi đã phân tích cho phụ huynh ấy thấy chị không nên chuyển trường cho con, vì nhà chị chỉ cách trường tôi đang dạy 1km, rất tiện cho gia đình đưa rước con đi học ngày 2 buổi. Dĩ nhiên với cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường ấy tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phát triển toàn diện; tuy nhiên, hiệu quả giáo dục không chỉ ở cơ sở vật chất và giáo viên giỏi, mà điều quan trọng hơn là con chị có tố chất thông minh, có năng khiếu về thể dục thể thao, âm nhạc và có chịu học, đủ sức học theo kịp bạn bè hay không. 
Tuy tôi đã phân tích như vậy, nhưng chị ấy vẫn nại ra đủ lý do. Tôi đành ký hồ sơ cho em được chuyển trường. Thế rồi 2 năm sau, khi con chị này lên học lớp 3, chị lại cầm hồ sơ gặp tôi xin nhận cho con chị chuyển về học tại trường tôi. Chị thật thà kể: “Hồi ấy, tôi nghĩ xin cho con mình được vào học trường điểm là ngon so với các bạn cùng trang lứa trong ấp đang học ở trường bình thường. Tôi theo dõi cháu học tập, thấy cháu có sức học cũng trung bình, không theo kịp các bạn. Hơn nữa, do hoàn cảnh, việc đưa rước con của gia đình tôi không thuận tiện nữa. Nói thật tình với thầy, tôi gặp khó khăn, tiền chi phí học 2 buổi, học tiếng Anh tăng cường, tin học, tiền bán trú cho cháu học ở trường điểm, tôi hết kham nổi. Hồi đó phải chi tôi nghe lời thầy để con học ở đây”. 
Thế đó, phải chi chị ấy biết nói “không” khi định hướng cho con vào học ngôi trường chất lượng tốt mà gia đình khó đáp ứng nhiều lý do khách quan sẽ làm cho con “dễ thở”, không bị hụt hơi đuối sức khi chạy theo con đường học hành mà mẹ vạch sẵn. 

Tin cùng chuyên mục