Giấc mơ cây cầu qua eo đất Kra

Trong bối cảnh Chính phủ Thái Lan đang thúc đẩy các dự án công trình công cộng lớn để trẻ hóa nền kinh tế, thì giấc mơ về một cây cầu trên bộ băng qua bán đảo Malay đang được nhắc đến trên nhiều phương tiện truyền thông.
Tỉnh Ranong, địa điểm thích hợp cho ý tưởng xây cây cầu
Tỉnh Ranong, địa điểm thích hợp cho ý tưởng xây cây cầu

Bản đồ đất nước Thái Lan trông giống một con voi, ở đó bán đảo Malay trải dài về phía Nam tạo thành một mũi. Phần hẹp nhất, eo đất Kra, chiều ngang chỉ có 44km; còn vịnh Thái Lan ở phía Đông và biển Andaman ở phía Tây. Hiện tại, tàu hàng phải đi xa về phía Nam để đến eo biển Malacca. Do đó, việc xây dựng một tuyến đường vận tải từ Đông sang Tây, băng qua eo đất Kra sẽ rút ngắn khoảng cách mà các tàu hàng phải di chuyển để vận chuyển hàng hóa giữa Đông Á với Trung Đông và châu Âu khoảng 1.200km.

Tháng 10-2020, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã ra lệnh nghiên cứu tính khả thi về việc xây dựng cây cầu trên đất liền qua eo đất Kra này. Kế hoạch cũng tính đến việc xây dựng các cảng cho tàu hàng lớn ở các tỉnh phía Nam Ranong và Chumphon, nối 2 cảng cách nhau khoảng 130km này với hệ thống các đường sắt, đường cao tốc và đường ống dẫn dầu. Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Saksayam Chidchob cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án. Ông Saksayam Chidchob tin rằng, một cây cầu trên đất liền sẽ không chỉ khiến tuyến đường qua eo biển Malacca trở nên lỗi thời mà còn thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài, nếu một đặc khu kinh tế được thành lập trong khu vực.

Theo Nikkei Asia, ý tưởng về một tuyến đường thương mại cắt ngang bán đảo thực ra có từ thế kỷ 17. Quốc vương Thái Lan khi đó đã đề xuất đào một con kênh xuyên bán đảo Malay và đề nghị Pháp khảo sát kênh đào vào năm 1677. Ferdinand de Lesseps, cha đẻ của kênh đào Suez ở Ai Cập, cũng đã đến thăm eo đất Kra vào năm 1882. Đến đầu thế kỷ này, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng đã xúc tiến việc nghiên cứu về tính khả thi nếu đào một con kênh nhưng dự án đã đổ vỡ sau cuộc đảo chính năm 2006.

Thực tế, chi phí đào một con kênh cực kỳ đắt đỏ, ước tính đến 30 tỷ USD. Việc kết nối vịnh Thái Lan và biển Andaman cũng sẽ rất khó khăn về mặt kỹ thuật, vì 2 vùng nước chênh lệch nhau vài mét xét về độ cao. Một vấn đề phức tạp nữa là cuộc xung đột âm ỉ giữa binh sĩ Thái Lan với các tay súng Hồi giáo dọc biên giới với Malaysia. Đã từng có những lo ngại rằng, một con kênh sẽ cắt đôi Thái Lan, làm gia tăng xu hướng ly khai giữa các dân tộc Malay chủ yếu theo đạo Hồi ở Thái Lan.

Vì những lý do này, chính phủ hiện tại nghiêng về một cây cầu trên đất liền, rẻ hơn và thực tế hơn là đào một con kênh. Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp do chi tiêu chống đại dịch Covid-19 tăng cao, chính phủ hy vọng dự án cây cầu này sẽ góp phần thu hút đầu tư từ các chính phủ và công ty nước ngoài thông qua hình thức đối tác công tư. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 1 vừa qua, Viện ISEAS-Yusof Ishak, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Singapore, cho biết việc xây dựng một cây cầu trên đất liền ở Thái Lan sẽ tốn 60 tỷ baht (1,85 tỷ USD), thấp hơn đáng kể so với việc đào một con kênh qua eo đất Kra.

Tuy nhiên, Hiệp hội Kênh đào Thái Lan, bao gồm các cựu quân nhân và chính trị gia, lại vận động chính phủ xây dựng một con kênh vì điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế của miền Nam Thái Lan. Theo ông Pradit Boonkerd, Tổng Thư ký hiệp hội: Cầu đường bộ có ít lợi thế vì cần phải chuyển hàng hóa sang đường sắt và xe tải tại cảng. Chưa kể, nhiều quan ngại cho rằng, xây cầu trên bộ sẽ hủy hoại môi trường và chi phí chắc chắn không nhỏ.

Tin cùng chuyên mục