Giá vàng SJC gần 55 triệu đồng/lượng

Giá vàng SJC trong ngày 23-7 đã tiến sát 55 triệu đồng/lượng. Cụ thể, ghi nhận thị trường tại TPHCM vào lúc 17 giờ, vàng SJC được Công ty SJC niêm yết giá vàng ở mức 53,5 triệu đồng/lượng mua vào và 54,8 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 1,4 đồng/lượng chiều mua và 1,75 triệu đồng/lượng/ chiều bán. 

Cùng thời điểm tại Hà Nội, Công ty Bảo Tín Minh Châu báo giá vàng SJC ở mức 53,4 triệu đồng/lượng mua vào và 54,35 triệu đồng/lượng ban ra, tăng 1,15 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,5 triệu đồng/lượng chiều bán. Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng vào khoảng 11 giờ 30 ngày 23-7 (giờ Việt Nam) đã tăng thêm 10 USD/ounce so với phiên trước, lên 1.868 USD/ounce. 

Khách hàng mua vàng tại TPHCM. Ảnh: Huy Phan
Từ đầu tuần đến nay, giá vàng thế giới đã tăng thêm gần 60 USD/ounce, tương đương mức tăng khoảng 1,7 triệu đồng/lượng, trong khi đó, giá vàng SJC đã tăng hơn 4,3 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng thế giới sau khi quy đổi tương đương khoảng 52,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC 2,2 triệu đồng/lượng. Theo nhận định của các ngân hàng lớn trên thế giới, tình hình kinh tế trì trệ, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chính trị - xã hội bất ổn... nên nhà đầu tư tìm đến với vàng để phòng trừ rủi ro. Đây là nguyên nhân chính khiến giá kim loại quý này tăng mạnh thời gian qua. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá vàng trong 3-6 tháng tới có thể lên đến 1.900 USD/ounce và 1 năm sau sẽ lên mức 2.000 USD/ounce. Thậm chí, Bank of America còn nhận định, chính sách kích thích kỷ lục của các nước trong Covid-19 có thể sẽ đẩy giá vàng lên 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2021.


Các chuyên gia vàng trong nước cũng cho rằng, yếu tố gián tiếp khiến giá vàng tăng sốc là thông tin về số ca nhiễm từ dịch Covid-19 tiếp tục tăng mạnh và hiện vẫn chưa biết khi nào mới có vaccine khiến nhà đầu tư lo lắng, tìm đến vàng để “trú ẩn”. Nhu cầu đầu tư nhiều vào vàng có khả năng sẽ còn duy trì nếu dịch Covid-19 chưa được kiểm soát tốt trên toàn cầu. Cùng với đó, nguyên nhân chính giá vàng liên tục lập đỉnh mới là do nhà đầu tư lớn đổ vào vàng trong 2-3 năm nay, trước khi có dịch Covid-19. 

Theo Hội đồng Vàng thế giới, các ngân hàng trung ương đã mua vào vàng từ 3-4 năm trước và mức độ mua nhiều nhất là từ nửa cuối năm 2019 đến nay. Riêng năm 2019, các ngân hàng trung ương mua khoảng 700 tấn vàng (nhiều nhất trong 6 năm qua). Còn các quỹ đầu tư vàng trên thế giới đang nắm giữ khoảng 3.000 tấn vàng và cũng là số vàng nắm giữ nhiều nhất. Nhiều định chế tài chính lớn, quỹ đầu tư, ngân hàng đầu tư hay cả ngân hàng thương mại khác cũng tập trung vốn vào vàng. Giá vàng tăng mạnh còn do chính sách nới lỏng kinh tế khiến lạm phát bắt đầu xuất hiện ở một số nước - nhất là khi tiền được bơm ra liên tục để cứu nền kinh tế bị tác động do dịch ở Mỹ và EU. Trong khoảng 3 tháng qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bơm thêm ra thị trường khoảng 4.000 - 7.000 tỷ USD để cân đối nền kinh tế, chưa kể các dòng tiền khác đến từ Anh, Nhật Bản hay các nước khác. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nhà đầu tư có thể đầu tư vàng dài hạn vì xu hướng của giá vàng trong nước còn tăng theo thế giới nhưng không nên đầu cơ hoặc “lướt sóng” vàng vì rất rủi ro. Dễ thấy nhất là chênh lệch mua bán được các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã nới rộng lên 700.000 - 800.000 đồng/lượng, thậm chí lên đến gần 1 triệu đồng/lượng so với thời điểm bình thường chỉ ở mức 200.000 - 300.000 đồng/lượng. Chuyên gia Huỳnh Trung Khánh khuyến nghị, nhà đầu tư trong nước cũng nên tránh tình trạng đổ xô đi mua vàng khi thấy giá vàng tăng cao và vội vàng bán ra khi vàng điều chỉnh giá. Muốn đầu tư vào vàng thành công, nhà đầu tư phải theo sát tình hình kinh tế thế giới nói chung và thị trường vàng quốc tế nói riêng trước diễn biến dịch Covid-19 hiện nay. Với giá vàng liên tục biến động trong biên độ rất rộng, nếu không theo sát và nắm rõ diễn biến của thị trường thế giới, nhà đầu tư trong nước sẽ gặp nhiều rủi ro. 

Tin cùng chuyên mục