Giá trị thương hiệu

Gạo ST24 và ST25 được công nhận là gạo ngon nhất, nhì thế giới và sản phẩm này là của Việt Nam. 

Tuy nhiên, thời gian qua, thương hiệu này lại đối diện nguy cơ rơi vào tay các doanh nghiệp nước khác khi doanh nghiệp của nhiều nước xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho gạo ST25 tại thị trường Mỹ và Australia. Nếu để mất thương hiệu thì các loại gạo đặc sản của Việt Nam không thể xuất khẩu vào các thị trường đã có bảo hộ.

Điều đáng nói, vụ việc thương hiệu gạo ST24 và ST25 không phải lần đầu tiên chúng ta gặp phải mà trước đó, Việt Nam đã từng thấm các bài học về nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, kẹo dừa Bến Tre… khi bị các doanh nghiệp của nước khác đăng ký sở hữu trí tuệ trước ở nước họ. Theo các chuyên gia kinh tế và chuyên gia luật, để tránh lặp lại tình trạng nông sản Việt Nam bị “nẫng” thương hiệu, doanh nghiệp cần phải chủ động và chú tâm hơn vào việc đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý để tránh những rủi ro bị kiện tụng, tranh chấp kéo dài, tốn kém nếu để thương hiệu lọt vào tay người khác. 

Các nhà kinh tế cũng chỉ ra rằng, sau khi đăng ký bảo hộ thành công, nông sản Việt Nam không chỉ mở rộng thị phần mà còn gia tăng giá trị xuất khẩu nhiều lần. Chẳng hạn, sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cam Cao Phong (Hòa Bình) đã tăng giá khoảng 5 lần; mật ong Mèo Vạc (Hà Giang) tăng giá 2,5 lần; bưởi Tân Triều (Đồng Nai) tăng giá khoảng 40%… Nhưng thực tế đến nay, số lượng nông sản Việt Nam được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài còn rất ít so với năng lực sản xuất, xuất khẩu và mới chỉ có một số sản phẩm nổi bật như: cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nga, Thái Lan; quế Văn Yên (Yên Bái) được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Thái Lan; vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản và bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại Australia, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào và Campuchia; thanh long Bình Thuận được bảo hộ nhãn hiệu tại Nhật Bản; chè Thái Nguyên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại Mỹ, Trung Quốc; chè Mộc Châu được bảo hộ nhãn hiệu tại Thái Lan… Trong khi, theo Bộ KH-CN, những nông sản chưa được chú trọng bảo vệ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài thông qua bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý thường ít được người tiêu dùng biết tới, khó phát triển thị trường và giá bán thấp, khả năng cạnh tranh cũng kém. Trên thực tế, có nhiều loại nông sản ngon của Việt Nam (kể cả gạo, trái cây) xuất khẩu phải mượn thương hiệu của nước ngoài hoặc bị doanh nghiệp nước ngoài thay tên đổi nhãn… 

Như vậy, cùng với phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp phải đầu tư sớm cho việc bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Tuy vậy, không thể để doanh nghiệp đơn thương độc mã mà các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tiếp sức cho doanh nghiệp. Có những sản phẩm không chỉ là thương hiệu của một doanh nghiệp mà còn là thương hiệu của quốc gia. Do đó, chúng ta nên học cách làm của Thái Lan khi bảo vệ thương hiệu gạo Thai Hom Mali (còn gọi là Thai Jasmine Rice) khi chính Bộ Công thương Thái Lan đăng ký nhãn hiệu “Thai Hom Mali” tại hàng chục quốc gia trên thế giới dưới dạng sở hữu nhà nước. Việt Nam cũng có thể làm như vậy nhưng các cơ quan chức năng thuộc ngành nông nghiệp, công thương, khoa học - công nghệ… phải cùng ngồi để bàn bạc những bước đi cụ thể. Bởi suy cho cùng, giá trị thương hiệu của sản phẩm nhiều vùng, miền cũng là hình ảnh của quốc gia và rất cần sự chung tay của doanh nghiệp lẫn cơ quan nhà nước.

Tin cùng chuyên mục