Giá trị của truyền thống

Cuối tuần trước, bóng đá Việt Nam có 2 sự kiện đáng chú ý. Thứ nhất là trận đấu có kỷ lục 25.000 khán giả đến sân Thiên Trường xem đội chủ nhà Nam Định so tài HA.GL. Thứ hai là chiến thắng kịch tính của đội đang đứng cuối bảng Khánh Hòa trên sân đội đầu bảng TPHCM.

Nam Định và Khánh Hòa đều là những đội bóng yếu về năng  lực, thiếu về tiền bạc, nói nôm na là “con nhà nghèo”. Chẳng ai nhớ nổi lần cuối mà các đội bóng ở nhóm dưới bảng xếp hạng lại tạo những điểm nhấn tuyệt vời kể trên. Suốt thời gian dài, khi nói về các đội bóng nhóm dưới, thường chỉ là các vấn đề tiêu cực như “chưa đá đã thua”, tìm cớ “bỏ giải” hoặc phải thi đấu trong những khán đài vắng tanh. 

Nhưng hiện Nam Định lại đang là một hiện tượng. Mùa trước, sau 7 năm thi đấu giải hạng nhì, hạng nhất, đội bóng này mới trở lại với V-League trong cảnh vừa đá vừa xếp hàng. Không cầu thủ giỏi, không nhà tài trợ và suýt phải quay về giải hạng nhất. Tình hình bi đát đến nỗi đầu mùa giải năm nay, đội ngưng tập nhiều ngày vì không có tiền trả lương cầu thủ. Vậy mà sân Thiên Trường lại là nơi có lượng khán giả bình quân cao nhất V-League với trung bình 15.000 khán giả/trận. Sự ủng hộ từ khán đài chắc chắn là yếu tố quan trọng giúp Nam Định đạt thành tích cực tốt tính đến thời điểm này của V-League 2019. 

Trường hợp của Khánh Hòa còn đặc biệt hơn. 5 năm trước, địa phương này chấp nhận giải tán đội bóng, chuyển giao suất thi đấu chuyên nghiệp cho Hải Phòng. Nhưng những người làm bóng đá trẻ tại đây vẫn âm thầm xây dựng một đội Khánh Hòa mới, đá V-League được 4 mùa qua. Năm ngoái còn về thứ 3 chung cuộc, thành tích tốt nhất tính từ khi không còn tên Phú Khánh. Mùa này, dù luôn đứng vị trí cuối bảng nhưng trận nào Khánh Hòa cũng nỗ lực thi đấu. Chiến thắng ở phút bù giờ cuối cùng trước TPHCM đã khẳng định khao khát trụ hạng của họ. 

Câu chuyện của 2 đội này ít nhiều khiến chúng ta liên tưởng đến bóng đá Anh, nơi khán đài luôn kín người và kết quả luôn ẩn chứa bất ngờ - những điều căn bản nhất để tạo nền bóng đá chuyên nghiệp. Đó là bóng đá sạch và bóng đá vì khán giả. Và cả 2 yếu tố đó thông thường đều gắn liền với những giá trị truyền thống, hoặc mang tính địa phương, vùng miền. 

Như một sự trùng hợp, ở thời điểm bóng đá Việt Nam đang thăng hoa hiện nay, trong 14 đội tham gia V-League 2019 có đến 12 đội mang trên mình lịch sử của các làng cầu lừng lẫy trong quá khứ. Đội vừa mới thăng hạng như Viettel khiến người hâm mộ nhớ Thể Công. Các trung tâm bóng đá như Hà Nội, TPHCM hiện có ít nhất 2 đại diện. Chưa có thời điểm nào từ khi V-League ra đời, yếu tố địa phương lại đóng vai trò quan trọng như hiện nay. Đó là điều lý giải cho sự cạnh tranh quyết liệt của V-League 2019 cả ở cuộc đua vô địch hay cuộc chiến trụ hạng khi giải đang dần đến các vòng đấu cuối mùa. Khi mỗi đội có lượng khán giả riêng, đâu cần phải thắng mọi trận đấu, người hâm mộ vẫn sẵn sàng đến sân. Mùa trước, Nam Định chỉ thắng 5 trận, suýt xuống hạng, nhưng lượng fan của họ cao hơn cả nhà vô địch tuyệt đối Hà Nội- đội mất đến 10 năm đầu tư, giành 4 chức vô địch với hơn chục tuyển thủ quốc gia trong đội hình. 

Nói cách khác, bóng đá Việt Nam có một sức sống rất mãnh liệt nhờ lịch sử phát triển lâu dài, xuyên qua những biến cố thời cuộc. Chỉ đáng tiếc là những người có trách nhiệm lại chưa quan tâm đúng mức đến các giá trị truyền thống, thậm chí có lúc còn phát triển nóng vội, khiến có giai đoạn rất ngắn mà V-League xuất hiện hàng chục cái tên xa lạ rồi biến mất cũng rất nhanh. Đấy là vấn đề về thiếu tầm nhìn chiến lược trong quản lý, vội vã trong việc sao chép các mô hình nước ngoài mà không nghiên cứu sâu những yếu tố căn bản. Trên thực tế, các mô hình của Nhật Bản, Hàn Quốc mà bóng đá Việt Nam từng áp dụng cũng đều bắt buộc các đội bóng chuyên nghiệp phải xây dựng nền tảng từ địa phương, khuyến khích đào tạo cầu thủ và liên kết sâu rộng với cộng đồng.

Muộn còn hơn không. Mong là các nhà quản lý đừng để các nguồn cảm hứng từ Nam Định, Khánh Hòa hay HA.GL trôi qua mà không làm được gì mới mẻ. 

Tin cùng chuyên mục