Giá trị của thống nhất và hòa bình

Chúng ta đang nỗ lực xây dựng đất nước giàu mạnh hơn, đẹp hơn…, nhưng không được quên hai yếu tố cơ bản, giá trị cốt lõi của một dân tộc phải giữ cho bằng được, đó là thống nhất và hòa bình.
Nhân dân Sài Gòn đón mừng quân Giải phóng ngày 30-4-1975
Nhân dân Sài Gòn đón mừng quân Giải phóng ngày 30-4-1975

I. Vào dịp kỷ niệm chiến thắng 30-4, tôi cũng như bất cứ ai, đều có cảm nhận riêng của mình, và cứ mỗi năm lại có cảm nhận khác nhau. Đến ngày vinh quang đó, có những người mẹ, người vợ lại đứng trước bàn thờ thắp nén hương cho người hy sinh. Chính gia đình tôi cũng là một cảnh tượng như thế. Tôi nhớ ngày 30-4-1975, khi ấy tôi còn học phổ thông, tất cả mọi người ùa ra đường và hò reo “thống nhất rồi, hòa bình rồi”. Đó là niềm vui tự phát của người dân, và những đứa trẻ như chúng tôi cũng hò reo đến phát cuồng. Vô cùng vui mừng vì đất nước thống nhất và có được hòa bình. Nói như vậy để thấy được giá trị cao nhất của một đất nước, một dân tộc là thống nhất, độc lập dân tộc và hòa bình.

Nói về ngày 30-4 thì chúng ta hãy nói về niềm tin tất thắng của toàn dân tộc khi chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến. Tôi là học trò của ông Ba Quốc - Thiếu tướng Đặng Trần Đức, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhân vật xuất chúng của ngành tình báo, một người hoạt động trong lòng địch. Tôi được ông Ba Quốc kể, trong các bức điện của cơ quan tình báo gửi ông Ba Quốc, ngay từ năm 1968 - chiến dịch Mậu Thân - để chuẩn bị giải phóng Sài Gòn, tổ chức đã luôn có yêu cầu đánh thế nào để không hủy diệt Sài Gòn. Giải phóng Sài Gòn, nhưng thành phố cơ bản vẫn còn nguyên vẹn, người dân không bị thiệt mạng… 

5 cánh quân với hàng triệu quân tiến về Sài Gòn mạnh như vũ bão. Đó là lần đầu tiên và duy nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, lực lượng của ta mạnh hơn, nhiều hơn của đối phương, kể cả về quân số, trang thiết bị, hậu cần, vũ khí, đạn dược. Có nghĩa là có thể “đè bẹp” Sài Gòn, nhưng chúng ta đã không lựa chọn phương án ấy, mà đã lựa chọn cách không để Sài Gòn bị phá hủy. Các tòa nhà, con đường nguyên vẹn, không có vết đạn pháo rơi trên đường, không có cảnh người dân bị chết hàng loạt sau một cuộc chiến lớn như thế. Quân đội Sài Gòn khi đó không hề yếu ớt, chống cự rất ác liệt. Chúng ta hy sinh rất nhiều chứ không phải tự nhiên kéo được xe tăng vào Sài Gòn. Nhưng, chúng ta đã chọn cách đánh để có thể giữ nguyên được Sài Gòn và bảo vệ tính mạng của người dân. Đó là điều phải khẳng định về tính nhân văn trong cách tiến hành giải phóng Sài Gòn của chúng ta ngày 30-4-1975.

Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vì 2 yếu tố. Thứ nhất là sức mạnh của quân giải phóng. Ông ấy biết sức mạnh đó là không thể ngăn cản, và có thể hủy diệt toàn bộ quân đội Sài Gòn. Thứ hai, Dương Văn Minh là người đã được tình báo của quân đội ta kết nối từ trước, đề nghị mở 1 con đường để ông ấy thay mặt Chính phủ Sài Gòn tuyên bố đầu hàng càng sớm càng tốt nhằm giảm thiệt hại xương máu cho cả 2 bên. Đó là điều chúng ta cần ghi nhận sự đóng góp của ông ấy vào phút chót. 

Vì thế, khi quân đội ta tiến vào Sài Gòn, hàng triệu người dân Sài Gòn ùa ra đường vẫy cờ hoa đón chào. Vì sao? Vì người dân thực sự cảm nhận có hòa bình, họ không bị tổn thương. Giả sử, nếu người dân bị bom đạn làm thương vong nhiều, Sài Gòn bị tơi tả dưới bom đạn, liệu họ đón chào quân giải phóng như thế hay không? 

Sài Gòn có được như hôm nay, đổi mới rất nhiều là nhờ có chủ trương của đội quân cách mạng khi đó: Giải phóng Sài Gòn nhưng không hủy diệt, không làm người dân thiệt mạng. Người dân TPHCM hôm nay phải nhìn ngày 30-4 ở khía cạnh ấy. Nhà thờ Đức Bà, bảo tàng, chợ Bến Thành và rất nhiều công trình lịch sử khác… vẫn còn nguyên vẹn sau cuộc chiến. Đó chính là điều vĩ đại của chiến dịch 30-4. 

Sau này, ở các cuộc chiến tranh công nghệ cao, tính sát thương cao, vũ khí thông minh rất chính xác, nhưng hậu quả các cuộc chiến đều rất khốc liệt và chúng ta vẫn đang nhìn thấy nhiều người dân thiệt mạng, những thành phố, đất nước tan hoang... Nhìn lại chiến dịch 30-4, chúng ta với vũ khí thông thường, nhưng Sài Gòn vẫn nguyên vẹn sau chiến dịch giải phóng miền Nam, không phải ngẫu nhiên mà được như thế, tất cả đều do chủ trương của chúng ta. 

Ngày nay nhìn lại, chúng ta càng thấy rõ, để bảo vệ một đất nước, giá trị tối thượng là bảo vệ sự thống nhất, độc lập dân tộc và hòa bình. Những giá trị đó không hơn kém nhau hay ngang nhau mà là điều không thể thiếu. Độ lùi thời gian đã dạy cho tôi điều đó, và hiện nay mỗi một người từ già đến trẻ đều nhìn thấy bài học đó. Chúng ta đã đổ biết bao xương máu cũng để đạt điều đó mà thôi. Hiện nay, chúng ta đang nỗ lực xây dựng đất nước giàu mạnh hơn, đẹp hơn…, nhưng không được quên hai yếu tố cơ bản, giá trị cốt lõi của một dân tộc phải giữ cho bằng được, đó là thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, độc lập dân tộc và hòa bình.

II. Mỗi dịp 30-4, chúng ta lại trăn trở: Chúng ta đã có hòa hợp dân tộc chưa? Quan điểm của tôi là có rồi, mặc dù bên cạnh đó vẫn còn những điều chưa thực sự trọn vẹn. Nếu không hòa hợp dân tộc thì làm gì có quốc gia 63 tỉnh, thành tự do rộng mở như thế này; không còn phân biệt tiếng Bắc, Trung, Nam; không còn phân biệt vùng miền và tất cả mọi người đều có quyền công dân của mình. Đó chính là hòa hợp, hòa giải dân tộc. Đầu tiên, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải hiểu hòa giải, hòa hợp dân tộc là gì. Đó là quyền tự do của mỗi con người, nhưng quyền tự do đó phải nhằm mục đích xây dựng đất nước hòa bình ổn định, mạnh lên, không phải để làm cho đất nước yếu đi hay bất ổn.

Giá trị của thống nhất và hòa bình ảnh 1 Mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 1975
Quay lại năm 1975, khi mới giải phóng, biết bao ý đồ lật ngược lại chiến thắng của chúng ta, lật đổ chính quyền cách mạng, một lần nữa xương máu lại đổ, họ dựa vào nước ngoài để tổ chức bao nhiêu âm mưu phá hoại, khiến chúng ta phải dùng bạo lực cách mạng để trấn áp những hành động đó. Họ dựa vào nước ngoài để lật đổ chính quyền hợp pháp do nhân dân bầu ra là phá hoại chứ không phải mong muốn hòa hợp dân tộc. Đấy là đòi hỏi hòa hợp dân tộc hay phá hoại hòa hợp dân tộc? Chúng ta đã từng bước hoàn thiện khái niệm cũng như tiến trình hòa hợp hòa giải dân tộc, nhưng tôi cho rằng chúng ta đã thực sự có hòa giải dân tộc.

Chúng ta đều biết, khi quan điểm trái ngược nhau, người ta hay nói tới bộ phận kiều bào ở nước ngoài trước đây làm việc cho Chính quyền Sài Gòn, họ có những suy nghĩ, những phát ngôn nặng nề về vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc. Đến giờ chúng ta “chữa” bằng cách nào? Với chính sách đối ngoại rộng mở, chúng ta là bạn với tất cả các nước, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, hợp tác với Mỹ ở nhiều lĩnh vực và không bao giờ chúng ta quên bảo vệ quyền lợi của người Việt ở trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài. Từ khi chúng ta bình thường hóa quan hệ với Mỹ, sự chống đối, những tiếng nói ngược chiều ngày càng ít đi. Bản thân tôi đã nhận thấy rất rõ điều này trong những lần sang Mỹ công tác, khi mà câu chuyện biểu tình của một số người Việt bên đó ngày càng giảm xuống và xa lạ hơn với kiều bào ta.

Tôi muốn nhấn mạnh, quan hệ đối ngoại của chúng ta rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chúng ta không quên quá khứ nhưng bỏ qua quá khứ để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hướng tới tương lai. Đường lối đó không chỉ có giá trị về kinh tế - xã hội thông qua hợp tác với các cựu thù, mà còn là liều thuốc chữa lành nỗi đau trong lòng người phải xa Tổ quốc vì hậu quả của chiến tranh. Bây giờ, họ về Việt Nam với một tâm thế rất vui mừng, thoải mái và tâm lý thù địch ngày càng ít đi. Đó chính là hòa giải, hòa hợp dân tộc, là chung tay xây dựng đất nước.

Tin cùng chuyên mục