Giá trị của thời gian


Tính từ năm 1995, Giải thưởng Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam do Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi xướng và tổ chức đã trải qua 26 năm cùng 24 Gala trao giải. Đó không phải là quãng thời gian quá dài đối với một đời người, nhưng với sự nghiệp của một cầu thủ, có khi là chặng đường của 3 thế hệ khác nhau.

Giải thưởng QBV Việt Nam 2021 được tiến hành khi AFF Cup 2020 diễn ra trên đất Singapore. Giải đấu danh giá nhất khu vực này ra đời vào năm 1996, một năm sau lễ trao giải QBV Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức. Từ đó đến nay, đội tuyển Việt Nam cũng chỉ mới 2 lần bước lên bục vinh quang sau 12 lần tham gia.

 Những con số khô khan ấy chưa nói hết được những gì mà bóng đá Việt Nam phải trải qua, đã mất mát, đã nỗ lực cho giây phút chiến thắng. Có ít nhất 4 thế hệ cầu thủ đã cống hiến cho mục tiêu đứng đầu khu vực, nhưng vinh quang không chia đều cho tất cả, bao gồm những ngôi sao lớn nhất.

Khác với rất nhiều giải thưởng cá nhân ở đa số lĩnh vực, cơ hội đoạt QBV hay thậm chí mà có mặt trong tốp 3 cầu thủ có phiếu bầu cao nhất, đôi khi lại là giấc mơ không thể với tới của không ít tài danh sân cỏ Việt Nam. Danh thủ Trần Minh Chiến, nguồn cảm hứng lớn nhất để Giải thuỏng QBV Việt Nam ra đời, chính là trường hợp như vậy. Năm 1995, anh ghi bàn thắng vàng đầu tiên của hành trình bóng đá Việt Nam bước ra thế giới, đưa đội tuyển chúng ta vào chung kết SEA Games 18 nhưng lại chỉ về thứ 4 ở cuộc bầu chọn QBV. Sang năm 1996, chấn thương đã khiến Trần Minh Chiến giã từ sân cỏ ở tuổi 22 đẹp đẽ, không còn cơ hội chạm tay đến vị trí dành cho ngôi sao số 1 quốc gia, cho dù anh có thể gắn bó với trái bóng suốt cả cuộc đời mình.

Đấy là một trong những giá trị rất riêng của Giải thưởng QBV Việt Nam. Lịch sử của một nền bóng đá có thể được kể lại bằng những danh hiệu, các chiến tích lẫy lừng trên trường quốc tế, và đôi khi là bài học từ những thất bại sẽ bị lãng quên. Trong khi đó, QBV Việt Nam lại kể chuyện bằng chân dung của các cầu thủ, của những thế hệ mà không có sự đóng góp của họ thì cũng chưa chắc là đã có được các vinh quang sau này.

Thế hệ vàng của Trần Minh Chiến, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn… dù chưa từng chiến thắng ở SEA Games hay AFF Cup, nhưng lại là thế hệ đã thay đổi toàn bộ lịch sử của bóng đá Việt Nam. Họ tạo ra cột mốc, làm thước đo, là chỗ dựa cho các thế hệ kế tiếp. Không có những gì mà thế hệ đó đã làm, thì bóng đá Việt Nam cũng chưa biết khi nào lên chuyên nghiệp, để có sự tham gia của các ông bầu với quá trình đầu tư căn cơ cho bóng đá trẻ. Nếu không có điểm khởi đầu ấy, cũng không thể có một đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Park Hang-seo đang thống trị làng cầu Đông Nam Á. 

Thế nên, cuộc bầu chọn QBV Việt Nam 2021 diễn ra ở thời điểm AFF Cup cũng là một sự trùng hợp để khẳng định giá trị của giải thưởng. Càng ở những thời điểm khó khăn, thì những cống hiến của từng cá nhân mỗi cầu thủ, cần được ghi nhận một cách rõ ràng để không gì có thể bị lãng quên. Trong một năm mà những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 gây tổn hại nghiêm trọng cho nền bóng đá, đặc biệt là hệ thống thi đấu nội địa, thì ngay cả việc không thể ra sân chơi bóng của các cầu thủ cũng có thể xem là sự hy sinh, đóng góp của họ cho sự phát triển sau này.

Không ai khác, chính các cầu thủ sẽ là người bắt đầu cho giai đoạn bình thường mới của nền bóng đá trong năm sau. Niềm đam mê của họ sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ kế tiếp cho dù không ít người trong số họ đã mất đi cơ hội được chơi bóng, thể hiện mình để có tên trong lá phiếu của những người bầu chọn. 

Tin cùng chuyên mục