Giá trị của người thầy

Hôm nay 5-9, học sinh cả nước chính thức khai giảng năm học mới, năm học 2020 - 2021 với rất nhiều điểm mới, nhiều kỳ vọng mới. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT cung cấp, quy mô học sinh cả nước năm học mới là gần 23 triệu học sinh, trong đó học sinh mầm non là gần 5,4 triệu cháu; học sinh phổ thông là gần 17,6 triệu em (trong đó tiểu học trên 8,7 triệu; THCS trên 6 triệu; THPT trên 2,8 triệu em). Như vậy, năm học này, quy mô học sinh cả nước đã tăng khoảng 1 triệu em so với năm học 2019 - 2020. 

Năm học 2020 - 2021 mở đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu, tình hình dịch trên thế giới vẫn còn phức tạp, dịch trong nước vẫn tiềm ẩn nguy hiểm. Cũng như toàn xã hội, ngành giáo dục phải duy trì trạng thái bình thường mới, nhưng đồng thời cũng phải sẵn sàng ứng phó kịp thời chuyển sang trạng thái “chống dịch như chống giặc” nếu dịch tiếp tục xảy ra phức tạp. Điều đó khiến cho năm học mới này có phần đặc biệt và đòi hỏi toàn ngành sự nỗ lực cao độ, tạo tiền đề thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của ngành giáo dục.

Năm học mới này, ngành giáo dục có quá nhiều việc phải làm, nhiều kế hoạch phải thực hiện. Chúng ta sẽ triển khai Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó là những đòi hỏi phải tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng GD-ĐT, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trong cả nước. Tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, rèn luyện kỹ năng và bản lĩnh cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn… Tất cả các vấn đề đó tuy không mới nhưng đều là những nội dung cốt lõi mà ngành giáo dục phải kiên trì thực hiện hiệu quả qua từng năm học. 

Có thể khẳng định một điều, để đạt tới mục tiêu xuyên suốt mà ngành giáo dục đang theo đuổi đó là “tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục” thì không thể không chú trọng tới vai trò của người thầy. Người thầy ở đây bao gồm cả cán bộ quản lý giáo dục các cấp và các thầy cô giáo trực tiếp dạy dỗ học sinh. Trong công cuộc đổi mới giáo dục, giáo viên là yếu tố quyết định thành bại. Nếu giáo viên không đổi mới, chất lượng giáo dục không thể thay đổi. Do đó, không thể không nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, bởi đó luôn là nhiệm vụ cốt lõi. Cần thực hiện bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đại học. Đơn cử như việc năm học này, ngành giáo dục triển khai chương trình SGK lớp 1 mới, nếu không đủ giáo viên có kinh nghiệm thì việc áp dụng chắc chắn sẽ khó khăn. Vì vậy, điều rất quan trọng trong năm học mới là ngành giáo dục cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, thực hiện tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Để người thầy yên tâm đứng lớp và cống hiến, không thể không bảo đảm cuộc sống cho họ. Giá trị của người thầy cần được đề cao hơn lúc nào hết với những giải pháp cụ thể, hiệu quả, chứ không dừng ở những hô hào, khẩu hiệu suông.

Xã hội cũng như toàn thể người dân ngày càng quan tâm, đầu tư cho việc học của con em với mong muốn thế hệ trẻ được lớn lên một cách toàn diện, phát triển được năng lực cá nhân, rèn luyện nhân cách, trở thành công dân toàn cầu có phẩm chất tốt đẹp. Dù thời đại số mở ra vô vàn cơ hội học tập trực tuyến nhưng việc học tập truyền thống với hình ảnh người thầy cao đẹp, tác động nhiều chiều tới học sinh là không thể thay đổi. Trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2020 - 2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Đó cũng là mong mỏi của toàn xã hội, toàn thể phụ huynh, học sinh đối với những người thầy. “Không thầy đố mày làm nên”, thực tế đã chỉ ra, ở đâu có hiệu trưởng tâm huyết với nghề giáo, ở đâu có giáo viên yêu nghề, yêu học sinh thì ở đó chất lượng giáo dục khởi sắc với nhiều thay đổi, trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò. 

Tin cùng chuyên mục