Trên những tuyến đầu

Giá trị cho mai sau - Bài 2: Trên những tuyến đầu

Những ngày này, Báo SGGP nhận được nhiều bài viết, sáng tác của bạn đọc gửi về, quanh chủ đề “ngày thống nhất”. Trong đó, bức thư của bạn trẻ tên Nguyễn Ngọc Trân (quận 6, TPHCM) có đoạn viết: “Tôi thuộc lứa 9X, muốn hiểu thêm về những ngày sau giải phóng, ngày mà các anh chị, cô chú đã trưởng thành trên những tuyến đầu…”. 

Bạn dùng từ “huyền thoại” khi nói về thế hệ đi trước, nhưng với những người thuộc thế hệ ấy, họ chỉ nghĩ “đi đến cùng cho trọn cái tình”.

Những “giảng đường” đặc biệt

Những ngày tháng 3-2021, trong sự kiện ra mắt sách Một thời chân đất và tặng quà thanh niên xung phong (TNXP) khó khăn, chúng tôi đã gặp nhiều anh chị cựu TNXP, những người “có đôi chân đi không trở lại”, tham gia tuyến đầu sau ngày đất nước thống nhất.

Câu chuyện với các cô chú trở lại thời điểm sau 30-4-1975, khi nhiều người trẻ ở thành phố đã bước vào những “giảng đường” mới, đó là lực lượng TNXP TPHCM. Không chọn con đường bằng phẳng với giảng đường đại học, nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức trẻ hay anh em binh lính chế độ cũ, lao động phổ thông nghèo đã đăng ký vào lực lượng TNXP. “Giảng đường” và nơi làm việc của họ là nông trường, rừng sâu, đồng hoang hay biên giới xa xôi, tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Chú Nguyễn Quốc Thắng (66 tuổi), cựu TNXP TPHCM, kể: “Ngày 30-8-1975, chúng tôi xuống nông trường Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh). Lán trại hay nhà cửa hồi đó chưa có. Tại vùng đất hoang hóa sình lầy, chúng tôi đi đốn cây, đánh tranh làm nhà. Tôi hồi đó 19 tuổi”. Làm TNXP đủ 3 tháng, như quy định, người nào có nhu cầu học tập, làm việc riêng có thể trở về, nhưng chú Thắng quyết định ở lại. “Đã đi TNXP thì ráng đi tới nơi, đi đến cùng cho trọn cái tình. Ở đây, cơm nước đạm bạc, cơm độn khoai mì mấy năm trời, nhưng nghĩ đất nước mới giải phóng, phải đi để có công ăn việc làm, sống có ích hơn”, chú nói. Bữa ăn nơi rừng sâu, đồng hoang hồi đó chỉ có “nước mắm toàn quốc” (nước muối pha màu, thêm chút mỡ hành), “mìn chống tăng” (bí đỏ nấu canh) hay “dây kẽm gai” (rau muống xào đen thui lui)… “Có vậy thôi, mà giảng đường của chúng tôi vui lắm”, chú Thắng nói.

Qua năm 1976, chú Thắng và nhiều TNXP chuyển đến nông trường Phạm Văn Cội 1 (Củ Chi) và sau ngày 28-3-1976, nông trường có thêm hơn 500 thanh niên. “Thanh niên tham gia rất đông, chừng 19-20 tuổi. Các bạn được phân về 9 nông trường. Riêng ở nông trường Phạm Văn Cội 1, năm 1967, trong một trận càn, Mỹ rải chất độc khai quang xuống vùng đất này, dùng xe tăng ủi hết và nơi đây trở thành vùng trắng. Sau này, TNXP đến khai hoang, đào kênh, trồng trọt, cũng có người chết vì bom đạn còn sót lại. Cuối năm 1976, Liên đội 7 và Liên đội 8 của tôi cùng đào kênh cho trạm bơm Ba Gia, đào trúng mìn chống tăng… khiến 1 người chết, 1 người mù mắt”, chú Thắng vẫn nhớ như in. Khó khăn là vậy, ở tuyến đầu, các anh chị, cô chú vẫn hàng ngày vác cuốc xẻng ra nông trường khô cằn. Đôi bàn tay sần chai bao lần rớm máu...

Giá trị cho mai sau - Bài 2: Trên những tuyến đầu ảnh 1 Dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,  nhiều bạn trẻ tìm về Phòng Truyền thống Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM,  để tìm hiểu về những ngày “giữ vẹn nguồn sống”

Như lời tâm sự của GS-TS Nguyễn Đức Công (62 tuổi), Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất: “Năm 1975, tôi gần 16 tuổi, chỉ nặng 40kg, đã tự đạp xe 30km từ Nam Định vào Ninh Bình để khám sức khỏe đi bộ đội, đăng ký vào Học viện Quân y. Tôi đã nghĩ, nếu có điều kiện, phải cố gắng học tập, đóng góp sức lực bảo vệ sức khỏe quân dân”.

Ông hào hứng kể với chúng tôi, không chỉ ông mà lớp học khoảng 200 sinh viên khóa XI Học viện Quân y cũng chung một lý tưởng như thế. Họ xung phong đi chiến trường biên giới Tây Nam. “Học hành khó khăn, ăn uống kham khổ, chưa kể chúng tôi thường xuyên ở trong vùng chiến sự. Nhưng đã là người lính quân y, chuyện sống chết phải xác định. Tôi là người rất hiểu chiến tranh, từng chứng kiến cuộc chiến khốc liệt ra sao, nên sau ngày hòa bình, có thể dùng khả năng của mình đến đâu là hết lòng đến đó”, GS-TS Đức Công trải lòng.

Giữ vẹn nguồn sống

Những ngày này, cán bộ - nhân viên Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM đang dọn dẹp, lau chùi từng kỷ vật trong Phòng Truyền thống. Chị Phạm Thị Thu, phụ trách Phòng Truyền thống, tỉ mỉ chỉnh lại những khung hình, lau thật sạch chiếc máy phát thanh - chiếc máy mà Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời kêu gọi quân đội Sài Gòn hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện vào trưa 30-4-1975, đặt ở vị trí trang trọng.

Nhiều năm làm nhiệm vụ lưu giữ những kỷ vật trên, nhưng mỗi dịp kỷ niệm ngày thống nhất, chị Thu lại có những cảm xúc riêng. Bởi đây là những kỷ vật mà thế hệ cán bộ của đài, thời ba chị - ông Phạm Văn Tình (đã mất), phải cật lực khắc phục khó khăn để duy trì và đưa thông tin đến bạn nghe đài. Thế hệ ba chị Thu còn có ông Võ Thanh Tòng (Tám Tòng), nguyên Phó Giám đốc Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng. Ông Tám Tòng năm nay tuổi đã 92, nhưng còn minh mẫn.

Ông kể, lúc bấy giờ, Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn, có tập hợp, động viên anh chị em kỹ sư và kỹ thuật đang làm việc tại đài hợp tác cùng quân đội, giữ nguyên vẹn toàn bộ máy móc, đảm bảo đưa thông tin đến người dân được kịp thời.

“Thời điểm ấy, đất nước vừa giải phóng, không có nguồn tin nào kịp thời và nhạy bén hơn làn sóng phát thanh. Thời đó, một bộ phận không nhỏ người dân không biết chữ, truyền hình cũng rất hạn chế, vì vậy, phát thanh trở thành kênh thông tin chính. Nhà nào cũng ráng sắm chiếc radio. Mỗi ngày thức dậy, thói quen của người dân là với tay bật radio để nghe tin tức rồi mới đi làm. Rồi khi về tới nhà, việc đầu tiên cũng là bật radio để nắm tình hình trong nước và trên thế giới”, ông Tám Tòng nhớ lại.

Cũng như Đài Phát thanh - nguồn thông tin của Sài Gòn những ngày đầu sau giải phóng, để đảm bảo giữ vững nguồn điện và nước cũng là những tuyến đầu hết sức cam go. Ở Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức, TPHCM) có 2 nhà máy quan trọng, cung cấp điện, nước cho TP Sài Gòn, đó là Nhà máy Nước Thủ Đức và Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức.

Ông Võ Thành Đô, nguyên Trưởng ban Công vận huyện Thủ Đức, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống Công vận Công đoàn TP Thủ Đức kể, đầu tháng 4-1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đưa lực lượng đến canh giữ nhà máy rất nghiêm ngặt. Phía quân Giải phóng cũng tổ chức nhiều cơ sở cách mạng nằm vùng ngay trong nhà máy, thậm chí công nhân còn lấy lý do bên ngoài bạo loạn để đưa gia đình vào trong nhà máy sinh sống với mục đích bảo vệ nhà máy khi cần thiết. Khó khăn là vậy, nhưng việc chiếm giữ và tiếp quản Nhà máy Nước Thủ Đức lại diễn ra rất thuận lợi. Sáng 30-4-1975, sau khi một nhóm công nhân - cơ sở của cách mạng bí mật treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc nhà máy, đồng thời loan tin quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã vào được nhà máy - khiến lính bảo an bỏ đi. Toàn bộ công nhân nhà máy vừa tiếp tục sản xuất, vừa bảo vệ toàn vẹn nhà máy.

Cách Nhà máy Nước Thủ Đức không xa là Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức. “Tôi, Nguyễn Văn Thiên, đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tôi không cho phép bất cứ ai được phá hỏng nhà máy, nhà máy này là nhà máy của nhân dân”.

Ở tuổi 87, ông Thiên vẫn nhớ rõ khung cảnh, tình huống khi ông đứng lên phản đối lệnh phá hủy những bộ phận quan trọng của nhà máy. Cũng chính câu nói ấy đã góp phần giữ Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức được toàn vẹn đến khi bàn giao lại cho Ủy ban Quân quản. Tuy vậy, hoạt động của các nhà máy điện, nhà máy nước sau tiếp quản rất khó khăn do thiếu nguyên liệu, linh kiện và trang thiết bị. Bằng sự sáng tạo, các công nhân ngành điện đã thi đua cải tiến, tận dụng các thiết bị cũ, thậm chí cải tạo các thiết bị phục vụ chiến tranh thành thiết bị dùng trong ngành điện, mục đích cao nhất là không gián đoạn việc cung cấp điện cho người dân.

Tiếp quản sứ mệnh ấy, người trẻ ngành điện lực hôm nay đã thực hiện nhiều phần việc vì xã hội, như sửa chữa, cải tạo hệ thống điện cho các gia đình khó khăn, các chung cư cũ; cải tạo hệ thống lưới điện, lắp các bộ đèn chiếu sáng dân lập cho nhiều tuyến hẻm trên địa bàn TPHCM… Hiện tại, lực lượng TNXP TPHCM vẫn bám trụ vùng sâu vùng xa. Nhiều TNXP tình nguyện ở lại giữ rừng phòng hộ Cần Giờ, chỉ với đèn dầu và ngọn đèn từ điện bình ắc quy, lúc tỏ lúc mờ, nhưng họ vẫn kiên trì bám tuyến đầu hoàn thành nhiệm vụ.

Từ Nam Sudan, Thiếu úy Lê Na (25 tuổi, quê Bến Tre), kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Quân y 175 thuộc Bộ Quốc phòng, chia sẻ với chúng tôi: “Đến đây, tôi mới thấy rõ được giá trị của hòa bình. Đất nước họ chưa thống nhất, cuộc sống thiếu thốn, hầu hết trẻ em không được đến trường…”. Câu chuyện với cô gái vóc người bé nhỏ đang làm nhiệm vụ quốc tế, khiến chúng tôi càng thêm cảm phục những thanh niên ở tuyến đầu sau ngày thống nhất, những “giảng đường” - nơi các thế hệ người trẻ Việt đã trưởng thành.

Tin cùng chuyên mục