Gia tăng vận chuyển ma túy từ châu Âu về Việt Nam

Trong tháng 6-2021, tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy qua các đường hàng không, chuyển phát nhanh và đường bưu điện từ các nước châu Âu về Việt Nam có chiều hướng gia tăng.

Chiều 1-7, Tổng cục Hải quan có thông cáo báo chí về tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại và kết quả xuất nhập khẩu trong tháng 6-2021 cũng như tổng kết 6 tháng đầu năm 2021.

Lực lượng hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa nhập khẩu

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6-2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 55,3 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 4,2% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 28 tỷ USD, giảm 0,9%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt 318,02 tỷ USD, tăng mạnh 32,7% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 158,35 tỷ USD, tăng 29% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 159,67 tỷ USD, tăng 36,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 6-2021 ước tính thâm hụt 700 triệu USD. Qua đó, nâng mức thâm hụt trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 1,31 tỷ USD, ngược lại với con số xuất siêu 5,87 tỷ USD của 6 tháng đầu năm trước.

Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 lây lan rộng, đã chỉ đạo các cửa khẩu, sân bay quốc tế triển khai thông quan nhanh hàng hóa, đặc biệt là hàng viện trợ phục vụ công tác phòng, chống dịch và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cán bộ, công chức có hành vi gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng với triển khai thí điểm Cơ chế một cửa quốc gia và giám sát tự động tại Sân bay quốc tế Nội Bài, Sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng cục Hải quan cũng đang hướng dẫn các đơn vị trong ngành đảm bảo thông quan hàng hóa tại các khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc cách ly theo quy định phòng chống dịch. Bố trí địa điểm (có trang bị đầy đủ các điều kiện phòng dịch) để cán bộ, công chức làm việc với doanh nghiệp nếu cần thiết...

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ áp dụng chính sách thuế ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại, quà tặng hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 như Công ty TNHH Văn Lang nhập khẩu 2.000 máy thở, Công ty Hansae Hàn Quốc nhập khẩu 170.600 áo choàng y tế (vải kháng khuẩn) tặng Chính phủ, Bộ Y tế. “Từ tháng 1-2021 đến ngày 23-6, số thuế nhập khẩu đã miễn đối với các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch là 6,317 tỷ đồng”- thông cáo cho biết.

Về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, trong tháng 6, một số doanh nghiệp đã lợi dụng chủ trương của Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố về cơ chế, chính sách mở để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa để thực hiện các hành vi vi phạm.

Trong đó, lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát hành lý của khách nhập cảnh qua tuyến đường bộ gặp nhiều rủi ro do vấn đề lây nhiễm dịch Covid-19, các đối tượng đã vận chuyển trái phép ngoại tệ, vàng vào trong nước tiêu thụ.

Đặc biệt trong tháng, tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy qua các đường hàng không, chuyển phát nhanh và đường bưu điện từ các nước châu Âu về Việt Nam có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng cất giấu ma túy qua tuyến đường này ngày càng tinh vi như cất trong: quà biếu; thuốc tân dược, sữa hộp… nhằm qua mắt lực lượng chức năng.

Tính từ ngày 16-5 đến 15-6, hải quan cả nước đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ tổng số 1.486 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 225 tỷ đồng; cơ quan hải quan đã khởi tố 1 vụ và chuyển sang cơ quan khác 4 vụ để điều tra làm rõ.

Tin cùng chuyên mục