Gia tăng trẻ thừa cân, béo phì: Hệ lụy lâu dài

Dịch bệnh Covid-19 khiến trẻ em phải ở nhà dài ngày, không được tới trường cũng như ít có cơ hội được tham gia các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời. Do thiếu hoạt động thể chất, lại được ăn uống tự do, ngủ nhiều hơn và thường xuyên phải làm bạn với máy tính, điện thoại khiến nhiều trẻ bị thừa cân, béo phì. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ mà còn kéo theo những hệ lụy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi trưởng thành.

Béo nhưng không khỏe

Mặc dù mới học lớp 6 nhưng em L.T.Tú (12 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) đã nặng gần 55kg nên mỗi lần leo cầu thang ở nhà từ tầng 1 lên tầng 3, em rất mệt phải thở dốc, thậm chí nhiều khi lên tới tầng 2 lại phải dừng lại nghỉ. Phụ huynh của em Tú cho biết, từ tháng 5 tới nay, sau gần 6 tháng ở nhà vì dịch Covid-19, em đã tăng 8kg nhưng chiều cao vẫn ở mức 1,38m. Bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trường hợp béo phì như em Tú là phổ biến, nhất là trẻ em thành thị khi phải ở nhà quá lâu do dịch Covid-19, trong khi trẻ được ăn uống đầy đủ, ngủ nhiều hơn và ít hoạt động thể chất. 

Trẻ nhỏ cần được tham gia nhiều hoạt động thể thao để giảm thừa cân béo phì
Một số chuyên gia về dinh dưỡng cho rằng, do giãn cách xã hội kéo dài và lo ngại dịch Covid-19, nhiều gia đình đã tập trung bồi bổ cho con bằng những bữa ăn giàu năng lượng, vì nghĩ rằng trẻ được ăn uống đầy đủ, nhiều chất bổ sẽ khỏe mạnh hơn, hạn chế đau ốm. Nhưng thực tế đây là cách chăm sóc con sai lầm của nhiều gia đình, bởi trẻ khi ăn uống quá nhiều chất, thiếu khoa học, ít vận động sẽ nhanh chóng bị tăng cân và béo phì. Đáng lo hơn khi có tới 53% các bậc phụ huynh không biết con mình bị thừa cân hoặc đánh giá thấp hơn mức bình thường. Phần lớn các gia đình chủ quan và ít khi chủ động kiểm tra định kỳ cân nặng của con em mình. “Phụ huynh thường chỉ đưa con đến khám vì trẻ đau xương khớp, mệt mỏi hoặc lo lắng về chiều cao. Đến khi thăm khám, bác sĩ mới ghi nhận trẻ bị thừa cân, béo phì”, bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục chia sẻ.


Ảnh hưởng tâm lý

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thừa cân, béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện nay, thừa cân, béo phì ở trẻ em là vấn đề thách thức đối với sức khỏe cộng đồng tại nhiều quốc gia. Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em béo phì, thừa cân tăng nhanh đáng báo động trong hơn 10 năm qua - tăng gấp 2,2 lần từ 8,5% (năm 2010) lên 19% (năm 2020). Chỉ tính riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3%, miền núi là 6,9%. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 10 học sinh thành thị thì có 4 em bị thừa cân, béo phì. Đặc biệt, kết quả điều tra cũng cho thấy tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TPHCM đã vượt 50% và Hà Nội vượt 41%.

Trong khi đó, theo các bác sĩ, tình trạng thừa cân kéo dài sẽ gây rối loạn chức năng trong cơ thể và diễn tiến thành bệnh. Bệnh tiến triển âm thầm trong thời gian dài khiến việc điều trị, phục hồi sẽ rất khó khăn và tốn kém. Hơn nữa, thừa cân, béo phì còn ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, dậy thì của trẻ và để lại nhiều nguy cơ với sức khỏe khi trưởng thành. Bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục cảnh báo, hậu quả của thừa cân, béo phì thường khó nhận biết ngay, nhưng không thể xem nhẹ. Khi trẻ béo phì chẳng may mắc những bệnh lý như tiêu chảy, viêm phổi thì bệnh thường có xu hướng tiến triển nặng hơn và phải điều trị kéo dài. Về mặt tâm lý, trẻ từ 8 tuổi trở lên, khi đã bắt đầu nhận thức về hình thể, trẻ thừa cân dễ tự ti, gặp khó khăn trong việc giao tiếp và nếu lâu dài trẻ có nguy cơ bị trầm cảm. Đặc biệt, theo Bộ Y tế, các nghiên cứu mới đây đã xác định, béo phì là một yếu tố nguy cơ tiến triển các triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng có thể phải nhập viện, chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ máy thở trong giai đoạn đầu của bệnh.

Để giúp trẻ phát triển cân đối, khỏe mạnh, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần theo dõi tiến trình phát triển của con em mình thông qua biểu đồ tăng trưởng, tham chiếu các thước đo để nhận biết ngay nếu con vượt ngưỡng cân nặng và tuyệt đối không thờ ơ trước dấu hiệu thừa cân. Cần phối hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm, thay đổi thường xuyên trong bữa ăn vì không có thức ăn nào là đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu cơ thể. Cần lưu ý, lượng chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày cần đảm bảo một tỷ lệ cân đối, ít nhất 40% chất béo thực vật, chất béo động vật không quá 60%, nên ăn phối hợp cả mỡ động vật và dầu thực vật, hạn chế tối đa đồ ăn nhanh và đồ uống nhiều đường. Bên cạnh đó, trẻ cần được bổ sung thêm vitamin, khoáng chất cho cơ thể và quan trọng hơn, gia đình cần tạo môi trường cho trẻ tham gia các hoạt động vận động cơ thể.

Có nhiều tiêu chuẩn đánh giá béo phì ở trẻ em, phổ biến là phương pháp đánh giá z-score của chỉ số khối cơ thể (BMI) theo tuổi và giới. BMI = cân nặng (kg)/chiều cao (m) x 2. Công thức này được áp dụng khi trẻ từ 2 tuổi trở lên. Đối với trẻ từ 2-5 tuổi: thừa cân khi z-score BMI ≥ 2SD và béo phì khi ≥ 3SD.  Đối với trẻ từ 5-18 tuổi: thừa cân khi z-score BMI ≥ 1SD và béo phì khi ≥ 2SD.

Tin cùng chuyên mục