Gia tăng trầm cảm ở phụ nữ trước, sau sinh

Khoảng thời gian mang thai và sau sinh được xem là giai đoạn quan trọng và căng thẳng đối với phụ nữ. Rất nhiều người đã rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau và tình trạng này có dấu hiệu gia tăng trong đại dịch Covid-19.

Những trường hợp đau lòng

Tìm đến Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, chị H.N.M. (27 tuổi, ngụ quận 3) chia sẻ câu chuyện của mình: Suốt thai kỳ sống trong bối cảnh dịch bệnh, chị luôn nơm nớp lo sợ mình sẽ mắc Covid-19.

“Trong những ngày tháng 7, tháng 8 khi dịch bệnh căng thẳng nhất, tôi không dám đến bệnh viện khám thai, không dám bước chân ra khỏi cửa, lúc nào cũng sợ mắc Covid-19. Tôi thường xuyên rửa tay và đeo khẩu trang, cả khi ngủ”.

Thế nhưng, sinh con được 2 tháng, không may mắc Covid-19, một mình chị M. phải vừa cách ly vừa chăm con nhỏ. Sau khi khỏi Covid-19, chị M. thường xuyên mất ngủ, gặp ác mộng và luôn bị ám ảnh bởi những tiếng khóc của con.

“Tôi cảm thấy sợ hãi mỗi khi con khóc, thậm chí nửa đêm cũng giật mình tỉnh giấc vì ngỡ là con khóc và không thể ngủ lại được”, chị M. tâm sự.

Cuối tháng 3-2021, một người phụ nữ đã tử vong cùng con trai tại khu điều trị Covid-19, Trung tâm Y tế TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương nghi trầm cảm tự tử. Theo các bác sĩ, bệnh nhân sinh hoạt bình thường và chỉ có cháu bé bị sốt cao nhưng đang trong quá trình bình phục. Một số bệnh nhân ở cùng phòng điều trị trước đó cho biết, người phụ nữ này không có biểu hiện gì bất thường, chỉ thi thoảng kêu ca buồn về kinh tế gia đình và đứa con lớn 8 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo. 

Trước đó, vào đầu năm 2022, liên tiếp các vụ việc đau lòng xảy ra từ những phụ nữ sau sinh mắc chứng trầm cảm. Cụ thể, ngày 5-2, một phụ nữ 34 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng đã bỏ con gái vào máy giặt, còn mình thì treo cổ tự tử trong một nhà trọ tại quận Bình Tân, TPHCM.

Cùng ngày, tại Hà Tĩnh, một phụ nữ 39 tuổi cũng đã chém chết con trai 2 tháng tuổi và tự tử nhưng không thành. Trước đó, vào tháng 11-2020, một bà mẹ ở tỉnh Lâm Đồng đã dìm chết con trai 9 tháng tuổi do bé quấy khóc. Các điều tra cho thấy những người phụ nữ này có dấu hiệu trầm cảm sau sinh.

Một nghiên cứu tại Anh ghi nhận, tỷ lệ căng thẳng, lo lắng trước đại dịch ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh con là 37%, nhưng đã tăng lên 60% kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Tại Việt Nam, trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, ghi nhận tại Bệnh viện Hùng Vương có khoảng 41% phụ nữ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh, còn tại Bệnh viện Từ Dũ có khoảng 12,5%, trong đó có 5,3% trầm cảm thật sự.

Dù chưa có thống kê chính thức tỷ lệ phụ nữ trầm cảm trong giai đoạn mang thai và sau sinh kể từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, nhưng các khoa, phòng khám tâm lý đang ngày càng có nhiều phụ nữ đến để khám và điều trị.

Gia tăng trầm cảm ở phụ nữ trước, sau sinh ảnh 1 Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thăm khám và tư vấn cho sản phụ trước sinh

Theo bác sĩ CKII Lâm Hiếu Minh, Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, thời gian gần đây đơn vị này tiếp nhận nhiều phụ nữ sau sinh đến khám do stress, trầm cảm.

“Các bà mẹ trẻ kể với tôi là chán nản, không thể chăm con, không thể trở thành người mẹ tốt. Có những bệnh nhân xuất hiện suy nghĩ tiêu cực như muốn cho con, gửi con, thậm chí có rối loạn ảo giác, hoang tưởng, muốn giết chết con vì nghĩ con là nguồn cơn của mọi rắc rối”, bác sĩ Minh thông tin.

Quan tâm, chia sẻ là chìa khóa giảm trầm cảm

Theo các chuyên gia y tế, trầm cảm sau sinh thường xảy ra vài ngày hoặc vài tháng sau khi phụ nữ sinh con. Đáng ngại, chứng trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà mẹ và sự phát triển trí tuệ, cảm xúc, thể chất của trẻ nhỏ. Các phân tích chỉ ra, nguyên nhân gây nên tình trạng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ là do những thay đổi về nội tiết, các chỉ số sinh học sau sinh dẫn đến phụ nữ thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, dễ thay đổi cảm xúc.

Bên cạnh đó những sự thay đổi về hình thể như tăng cân không kiểm soát, rạn da, rụng tóc, mất ngủ, con thường xuyên quấy khóc nhưng lại thiếu sự đồng cảm, giúp đỡ của người thân, đặc biệt là người chồng; cùng những mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu, mâu thuẫn vợ - chồng hoặc với anh, chị em chồng cũng là nguyên nhân gây ra trầm cảm.

Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, cùng với những tin tức tiêu cực về dịch bệnh mỗi ngày khiến cho phụ nữ sau sinh càng lo lắng, bất an. Đặc biệt với việc phải cách ly với con mình khi mắc Covid-19 đã khiến cho tâm lý của phụ nữ có sự xáo trộn lớn. Để điều trị trầm cảm cho phụ nữ sau sinh, bác sĩ Lâm Hiếu Minh cho rằng, đầu tiên các bác sĩ sẽ can thiệp về mặt tâm lý, tháo gỡ những khúc mắc trong suy nghĩ, tình cảm của sản phụ.

Với những trường hợp nghiêm trọng hơn bắt buộc phải can thiệp bằng các biện pháp y khoa, trong đó có sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần… Tuy nhiên theo bác sĩ Hiếu Minh, sự đồng hành của gia đình là yếu tố tiên quyết giúp cải thiện chứng trầm cảm của phụ nữ trong giai đoạn này. Các gia đình cần chú ý giảm stress cho người mẹ bằng cách san sẻ công việc, quan tâm nhiều hơn.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng đưa ra một số biện pháp đơn giản mà các bà mẹ có thể thực hiện nhằm vượt qua căng thẳng, lo âu trong thời gian sau sinh như: Thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ; dành thời gian chăm sóc bản thân, làm những công việc phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân; không đọc quá nhiều thông tin tiêu cực về dịch bệnh, tuân thủ khuyến nghị mà các bác sĩ đưa ra. Các bà mẹ nên cởi mở, chia sẻ với gia đình, người thân về trạng thái cảm xúc của mình.

Theo các chuyên gia y tế, một phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh thường có biểu hiện như buồn bã, lo lắng thái quá, hay cáu gắt, tức giận vô cớ; thường đề cập đến những vấn đề tiêu cực, cho rằng mình không thể làm mẹ tốt, không được quan tâm, không thể nuôi con, bất lực; có những hành vi chăm sóc và kiểm tra con liên tục, quá mức hoặc gây hại đến cơ thể, tính mạng của bản thân và con. Triệu chứng cơ thể mất ngủ, thay đổi thói quen ăn uống (chán ăn hoặc ăn quá nhiều), mệt mỏi thường xuyên...

Tin cùng chuyên mục