Gia tăng nguy cơ cháy cơ sở sản xuất

Tình trạng vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại cơ sở sản xuất trên địa bàn TPHCM ngày càng gia tăng, trong khi phần lớn giải pháp phòng ngừa chưa mang lại hiệu quả. Thực tế trên đã và đang đẩy nguy cơ cháy nổ ở cơ sở sản xuất tăng cao.

Kiểm tra là phát hiện vi phạm

Lúc 10 giờ ngày 22-8, Cơ sở gia công thùng phuy - dệt ở địa chỉ 16/3A đường Nhị Bình, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn xảy ra cháy ở khu vực xưởng sản xuất. Do bên trong xưởng có nhiều vật liệu dễ cháy nên đám cháy nhanh chóng bùng phát và lan rộng ra 3 cơ sở xung quanh.

Công an TPHCM phải điều động hơn 40 cán bộ, chiến sĩ của Công an quận 12 và Đội chữa cháy khu vực thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07) đến hỗ trợ Công an huyện Hóc Môn chữa cháy. Hơn 1 giờ sau, đám cháy được dập tắt; tuy nhiên gần 1.000m2 nhà xưởng, kho chứa của các cơ sở cùng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất bên trong bị thiêu rụi. 

Trước đó, đêm 10 rạng sáng 11-8, tại Công ty May mặc CS Vina (huyện Hóc Môn) cũng xảy ra cháy lớn khiến 2.000m2 xưởng sản xuất cùng hàng chục tấn quần áo, nguyên liệu sản xuất, máy móc bị cháy. 

Đó là 2 trong số gần 30 vụ cháy cơ sở sản xuất xảy ra trên địa bàn TPHCM chỉ trong 2 tháng qua. Tổng thiệt hại tài sản trong 2 vụ cháy trên lên đến hàng tỷ đồng.

Gia tăng nguy cơ cháy cơ sở sản xuất ảnh 1 Cảnh sát PCCC TPHCM nỗ lực dập lửa tại đám cháy xảy ra ở xưởng sản xuất (Công ty TNHH Vincent, quận Thủ Đức) vào ngày 5-9

Hậu quả từ các vụ cháy cơ sở sản xuất nặng nề, song trên thực tế vi phạm về PCCC vẫn diễn ra tràn lan. Một cán bộ PC07 cho biết, kết quả thực hiện đợt kiểm tra chuyên đề PCCC tại 10 cơ sở sản xuất trong tháng 8-2019 của đơn vị cho thấy, có kiểm tra là phát hiện vi phạm; đặc biệt có cơ sở vi phạm nhiều lỗi nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm, như Công ty CP Sản xuất thương mại dịch vụ bao bì nhựa Trung Sơn (lô C1-2, đường 7C, KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh).

Kiểm tra cơ sở này vào ngày 21-8, PC07 phát hiện hàng loạt lỗi: khoảng cách giữa khu vực sản xuất, chứa hàng hóa với hệ thống điện không đảm bảo an toàn; đường giao thông chữa cháy bị chủ cơ sở cơi nới làm kho (xe chữa cháy không thể tiếp cận chữa cháy khi sự cố xảy ra); hệ thống dây dẫn điện trong kho, xưởng được đấu nối sai kỹ thuật, dễ dẫn đến rò rỉ điện…

Đáng chú ý, các vi phạm của cơ sở này đã được Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh kiểm tra, nhắc nhở trước đó nhưng chủ cơ sở không khắc phục.

Tuyên truyền phải hiệu quả

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó phòng PC07, cho biết đơn vị sẽ tái kiểm tra để theo dõi việc khắc phục các tồn tại về PCCC của cơ sở sản xuất vi phạm. Đối với các trường hợp chây ỳ, cố tình vi phạm, đơn vị sẽ phối hợp với cơ quan chức năng liên quan có biện pháp mạnh, hoặc tạm đình chỉ hoạt động.

Để ngăn chặn cháy nổ xảy ra tại cơ sở sản xuất, PC07 đã tham mưu Công an TPHCM yêu cầu công an các quận huyện thắt chặt việc theo dõi địa bàn, thực hiện đầy đủ việc kiểm tra chuyên đề, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, tuyệt đối không để vi phạm tồn tại.

Hiện PC07 đang phối hợp Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất TPHCM, sở ngành tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao trên toàn địa bàn TP; trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định về nguồn nước - giao thông chữa cháy; lực lượng PCCC tại chỗ; hệ thống điện; thẩm duyệt - nghiệm thu hệ thống PCCC… Sau đó, PC07 sẽ phân loại các cơ sở vi phạm để có phương án khắc phục cụ thể.

Theo UBND quận Bình Tân, hiện cơ quan này đang yêu cầu các phòng chuyên môn khi cấp phép kinh doanh phải đưa thêm yếu tố đảm bảo PCCC làm điều kiện cấp phép. Cơ sở nào không đảm bảo an toàn PCCC thì sẽ không cấp phép.

UBND quận Bình Tân cũng yêu cầu chính quyền cơ sở, đoàn thể phối hợp với công an, lực lượng cảnh sát PCCC tăng cường các buổi phổ biến kiến thức pháp luật PCCC, tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn cho chủ doanh nghiệp, công nhân lao động ít nhất 1 tháng/lần.

Việc tuyên truyền PCCC sẽ được thực hiện sinh động, thiết thực hơn trước, thông qua việc điểm tin tình hình cháy nổ trên địa bàn, chiếu phim về các vụ cháy lớn và thiệt hại đã xảy ra, chỉ ra các lỗi vi phạm PCCC trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày…. Các buổi tuyên truyền có thể diễn ra ở trụ sở khu phố, tổ dân phố, nhà trọ công nhân, hoặc tại xưởng sản xuất.

 “Không chỉ chủ cơ sở, công nhân, lao động lơ là thực hiện việc chấp hành các quy định về PCCC mà ngay cả nhiều cấp ủy, chính quyền cơ sở, ngành chức năng địa phương cũng buông lỏng, thiếu quyết liệt trong nhiệm vụ của mình ở lĩnh vực này. Đâu đó vẫn còn tình trạng lực lượng chức năng đến kiểm tra, phát hiện nhiều lỗi vi phạm nhưng chỉ phạt lỗi nhẹ, bỏ lỗi nặng, dẫn đến tổ chức, cá nhân vi phạm lờn luật. Việc tuyên truyền phần lớn chỉ làm hình thức, chiếu lệ”, đại diện lãnh đạo UBND quận Bình Tân thẳng thắn nhìn nhận.

Tin cùng chuyên mục