Gia tăng giá trị khoa học, công nghệ

Năm qua, Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TPHCM đã liên tục triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển KH-CN, từng bước thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) gắn với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; qua đó đạt được những giá trị mới, góp phần phát triển KH-CN vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, tạo nền tảng để nhiều ngành tăng tốc phát triển trong năm mới.
Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại TPHCM luôn tạo ra sức hút từ giới trẻ
Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại TPHCM luôn tạo ra sức hút từ giới trẻ

Đóng góp vào phát triển chung 

Theo Sở KH-CN TPHCM, với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sở đã tham mưu UBND TPHCM phê duyệt 28 nhiệm vụ KH-CN; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện 105 nhiệm vụ mới, trong đó có 46 nhiệm vụ phục vụ 4 ngành công nghiệp chủ lực, 14 nhiệm vụ phục vụ 7 chương trình đột phá và quản lý phát triển đô thị thành phố, 45 nhiệm vụ còn lại phục vụ lĩnh vực KH-CN tính toán và các lĩnh vực khác. Các nhiệm vụ của sở cũng có sự đồng hành của doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tỷ lệ ứng dụng, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống dân cư, tiêu biểu như: Hệ thống súc rửa tự động bồn chôn ngầm lắp đặt trên xe tải (đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn trong nước của ngành xăng dầu, giá thành rẻ hơn 4 lần so với thiết bị nhập ngoại); Thiết bị điều khiển tiết giảm năng lượng cho hệ thống chiếu sáng dùng đèn cao áp (mang về doanh thu hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp)…

Năm 2018, Sở KH-CN TPHCM đã nghiệm thu 93 nhiệm vụ KH-CN, có 77 bài báo nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí trong nước, 51 bài báo công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ đã góp phần đào tạo 5 tiến sĩ, 29 thạc sĩ. Ngoài ra, sở cũng tổ chức tuyển chọn 14 nhiệm vụ KH-CN thuộc 3 chương trình nghiên cứu KH-CN mục tiêu để triển khai trong năm 2019.

Tại buổi tổng kết hoạt động KH-CN TPHCM năm 2018, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết sở đã tham mưu UBND TPHCM ban hành 14 văn bản để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể được xác định tại các chương trình, kế hoạch hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo nhiệm kỳ 2015-2020. Qua đó, góp phần tạo hành lang pháp lý để các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước; đồng thời là các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển


Trong năm qua, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đã trở thành hoạt động lớn của cả năm. Trong đó đáng chú ý, việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo là nhiệm vụ được triển khai rộng khắp, hiệu quả. Sở đã duy trì việc hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua các hoạt động như kết nối 24 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của cả nhà nước và tư nhân trên địa bàn thành phố với tổng diện tích mặt bằng khoảng 2.525m2; mở rộng và phát huy vai trò của trung tâm ươm tạo; hợp tác với mô hình OpenLab của các doanh nghiệp; tập trung thu hút các tổ chức hỗ trợ kinh doanh và tài chính quốc tế tham gia vào các hoạt động kết nối, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ cho hoạt động hỗ trợ ươm tạo và ĐMST của thành phố.

Hỗ trợ hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp cũng để lại những giá trị lớn khi đã triển khai kế hoạch hoạt động của các hệ sinh thái khởi nghiệp, gồm: Kế hoạch tổ chức các hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ngành công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) và cơ khí; Kế hoạch tổ chức các hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ngành chế biến lương thực - thực phẩm và ngành nhựa - cao su - hóa chất. Đến tháng 12-2018, các kế hoạch nêu trên đã triển khai được 35 hoạt động để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, gồm: 17 hoạt động phát triển hệ sinh thái chung, 9 hoạt động phát triển hệ sinh thái chế biến lương thực - thực phẩm và nhựa - cao su - hóa chất, 9 hoạt động phát triển hệ sinh thái ICT (đạt 100% kế hoạch năm).

Tập trung vào các dự án khởi nghiệp cũng không thể tách rời hoạt động, sở đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp 711 dự án khởi nghiệp (đạt 101,57% kế hoạch năm) thông qua các hoạt động kết nối với nhà đầu tư, chuyên gia và tổ chức tư vấn; hỗ trợ tư vấn, đào tạo, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, hỗ trợ không gian làm việc. Tính chung, giai đoạn 2016-2018 đã hỗ trợ được 1.677 dự án. Song song đó, sở tiếp tục triển khai Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST (Speedup) nhằm hỗ trợ tài chính từ ngân sách cho các dự án khởi nghiệp ĐMST thông các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp. Trong năm 2018 cũng thực hiện sơ tuyển 20/20 dự án mới đăng ký; tổ chức xét duyệt 2 dự án, giám định 10 dự án và nghiệm thu 13 dự án của năm 2017.

Trên những kết quả đạt được, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho rằng tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH-CN, ĐMST của nhiệm kỳ 2016-2020 nhằm xây dựng hệ sinh thái ĐMST TPHCM vững mạnh, làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập sâu và phát triển là mục tiêu tập trung trong năm 2019. 

Năm 2019, Sở KH-CN TPHCM tập trung vào các mục tiêu: Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển, thương mại hóa, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, thiết kế từng nhóm theo hướng cụ thể hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với tính chất của các hoạt động này; tiếp tục hoàn thiện nền tảng kết nối và hợp tác nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển và ĐMST; tập trung hỗ trợ xây dựng 4 mối liên kết chặt chẽ, bền vững (viện, trường - doanh nghiệp - nhà nước), đặc biệt với 4 ngành công nghiệp trọng điểm để làm nền tảng cho các hệ sinh thái ĐMST trong từng ngành; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ kết nối cung cầu và chuyển giao công nghệ và hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá hoạt động KH-CN, ĐMST… 

Tin cùng chuyên mục