Gia tăng bệnh nhân cúm do rét đậm, rét hại

Ngày 6-2, trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trong những ngày qua làm gia tăng số người mắc cúm mùa, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các tỉnh, thành phố trong cả nước yêu cầu tăng cường công tác phòng chống bệnh cúm.
Theo đó, Bộ Y tế chỉ rõ, trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, tình hình dịch cúm trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Tại Trung Quốc tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A/H7N9, bùng phát dịch cúm mùa tại Mỹ và cúm A/H1N1 tại Triều Tiên.
Cùng với đó, tình hình bệnh cúm tại nhiều địa phương trong cả nước cũng đang có xu hướng diễn biến phức tạp, gia tăng số trường hợp mắc bệnh cúm nhập viện tại một số bệnh viện tuyến cuối.
Bên cạnh đó, thời tiết mùa đông xuân là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có bệnh cúm lây lan và bùng phát.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh cúm ở nhiều nước trên thế giới, cũng như trong nước, để chủ động phòng bệnh cúm, không để lan rộng kéo dài, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương đẩy mạnh việc tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cúm; phát hiện sớm, cách ly, điều trị tại nhà, đến cơ sở y tế khi có diễn biến nặng.
Gia tăng bệnh nhân cúm do rét đậm, rét hại ảnh 1
Để phòng bệnh, người dân cần hạn chế đến chỗ đông người khi có dịch để phòng lây lan, khi phải tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang; tăng cường vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho, nâng cao thể trạng để phòng bệnh; chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cúm với các chủng đã có vaccine phòng ngừa.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tổ chức tốt công tác phân luồng khám bệnh, thu dung cách ly, cấp cứu, thiết lập khu vực riêng để điều trị cho người bệnh cúm. Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây chéo trong bệnh viện.
Các cơ sở điều trị phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, lấy mẫu và xét nghiệm để phát hiện kịp thời các tác nhân cúm độc lực cao; kiểm soát chặt và chỉ định dùng thuốc kháng virus, tránh tình trạng khan hiếm ảo và tình trạng kháng thuốc.
Đối với Sở Y tế các tỉnh thành cần chủ động phối hợp cơ quan thú y và các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ các ổ dịch cúm trên gia cầm, xử lý triệt để khi phát hiện ổ dịch, không để lây lan sang người và kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu qua biên giới để phòng tránh bệnh cúm gia cầm.
Trong khi đó, ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cho thấy, từ cuối tháng 1-2018 tới nay khi tại miền Bắc xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại đã kéo theo số người mắc cúm tăng đột biến, trong đó nhiều nhất là trẻ em.
Hiện tại mỗi ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận trên 100 bệnh nhân gồm cả người lớn và trẻ em có triệu chứng cúm đến khám, trong đó, khoảng một nửa số trường hợp phải điều trị nội trú.
Tại các bệnh viện như: Nhi Trung ương, Bạch Mai, Đức Giang, Đống Đa, Xanh Pôn cũng đang điều trị cho hàng chục bệnh nhi bị bệnh cúm mùa. Đáng lưu ý, trong số bệnh nhân mắc cúm phải nhập viện điều trị đã ghi nhận một số trường hợp bệnh nhi bị biến chứng nặng viêm phổi, thậm chí có trường hợp phải thở máy và trao đổi ô xy qua màng ngoài cơ thể. 
Theo các chuyên gia dịch tễ, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.
Khi mắc cúm mùa, nếu bệnh nhân là người lớn thì có thể hồi phục trong vòng từ 2 đến 7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch, sẽ diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Tin cùng chuyên mục