Giá nước sông Đuống cao do… tạm tính

Chiều 12-11, tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hà Nội, liên quan tới Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống, trước các câu hỏi giá bán nước; bảo đảm chất lượng và an ninh an toàn nguồn nước..., đại diện các sở ban ngành của TP Hà Nội đều trả lời rất chung chung. 

Việc giá nước sạch sông Đuống cao hơn mặt bằng giá nước sạch do các công ty khác sản xuất và thông tin về việc mỗi năm TP Hà Nội phải trợ giá hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, cho biết, giá nước sạch tạm tính tối đa cho Nhà máy Nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m³. Việc đưa ra mức giá này căn cứ vào các quy định của nhà nước và thành phố theo tinh thần “tính đúng, tính đủ” bảo đảm quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp. 

Giá nước sông Đuống cao do… tạm tính ảnh 1 Ông Nguyễn Việt Hà- Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội
Trong đó, dựa trên nhiều yếu tố như: chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chi phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận doanh nghiệp tối thiểu 5%... “Mức giá 10.246 đồng là mức giá tạm tính tối đa để phục vụ cho việc ký kết thỏa thuận dịch vụ cấp nước trong quá trình lập và tổ chức thực hiện dự án đầu tư, giá này không phải giá bán đến người tiêu dùng hoặc các đơn vị bán lẻ”, ông Nguyễn Việt Hà nói. 

Trong thời gian tới, khi nhà đầu tư thực hiện triển khai quyết toán dự án sẽ có kiểm toán đối với dự án đầu tư này. Sau khi đơn vị quyết toán xác định được các chi phí chính thức khi đó sẽ xác định được giá thành sản xuất của Công ty Nước mặt sông Đuống. Về thông tin thành phố hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà cho biết, vì dự án chưa được quyết toán nên thành phố chưa cấp bù một khoản kinh phí nào cho doanh nghiệp này và các đơn vị liên quan.

Lý giải giá nước sông Đuống cao hơn sông Đà, lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cho biết, nguyên tắc tính giá của các đơn vị là giống nhau, đều được thực hiện trên cơ sở quy định hiện hành nhưng giữa các nhà máy có các yếu tố khác nhau. Thứ nhất là công nghệ của nhà máy khác nhau dẫn tới khác biệt về hiệu suất đầu tư. Thứ hai là chất lượng nguồn nước thô vào khác nhau, dẫn tới có sự lệch giá.

Trước những băn khoăn của dư luận về bảo đảm an ninh an toàn nguồn nước, nhất là sau khi xảy ra sự cố nước sạch sông Đà và có thông tin Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống bán cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan, ông Võ Tuấn Anh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, cho biết, TP Hà Nội không nắm cổ phần chi phối hoạt động của Nhà máy Nước mặt sông Đuống nhưng chất lượng nước sản xuất ra được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo các tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống được khởi công từ tháng 3-2017 và đến tháng 10-2019 đã xong giai đoạn 1, đạt công suất 300.000m3 ngày/đêm và đến năm 2025 sẽ đạt công suất 600.000m³ ngày/đêm. Với tốc độ phát triển đô thị của Hà Nội như hiện nay, để đáp ứng nhu cầu nước sạch của nhân dân tới năm 2020 cần khoảng 2 triệu m³ ngày/đêm, nên việc đầu tư bổ sung các dự án nhà máy nước sạch là cấp thiết. Dự án này được thành phố giao cho nhà đầu tư thực hiện ngoài ngân sách... 

Trong khi đó, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, Nhà máy Nước mặt sông Đuống có công nghệ tiên tiến, nước sản xuất ra có thể uống được tại vòi; trong khi Sở Y tế Hà Nội thường xuyên kiểm tra. Tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội né tránh các câu hỏi liên quan tới công nghệ của Nhà máy Nước mặt sông Đuống, cũng như việc nhà máy chưa được Bộ Xây dựng thẩm định, nghiệm thu nhưng đã đưa vào hoạt động.

Tin cùng chuyên mục