Giá nông sản tăng cao, nông dân phấn khởi

Nông dân Bắc Tây Nguyên đang bước vào mùa thu hoạch mì, mía, dưa hấu, khoai lang, lúa. Tin vui là các loại nông sản này đang được giá đã giúp nông dân có thu nhập khá sau thời gian gặp khó bởi dịch Covid-19.
 Nông dân xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai thu hoạch mì
Nông dân xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai thu hoạch mì

Mì là một trong những cây trồng chủ lực tại Bắc Tây Nguyên. Loại cây này có ưu điểm là trồng được ở đồi núi cao, nơi khô cằn, đất xấu. Những ngày này, nông dân đang tất bật thu hoạch và rất vui vì giá mì cao kỷ lục. Tại làng Klah, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, gia đình anh Mộc Ngọc Thạch đang cố gắng thu hoạch nốt số mì còn lại trên phần diện tích 7ha. “Năm nay giá mì lúc lên cao nhất đạt tới 2.650 đồng/kg tươi. Trừ mọi chi phí, gia đình bỏ túi khoảng 200 triệu đồng tiền lời”, anh Thạch nói. 

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nguyễn Tuấn Anh, diện tích mì trên địa bàn là 320ha, hiện bà con đã thu hoạch được 80%. Giá mì thu mua trên địa bàn khoảng 2.650 đồng/kg tươi, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại và gấp đôi so với giá năm ngoái. 

Huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) có khoảng 22.000ha mì, hiện đã thu hoạch được 70%. Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa Đinh Xuân Duyên vui mừng cho biết, giá mì mua xô là 2.650 đồng/kg tươi. Mức giá này cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Bình quân mỗi hécta, nông dân lời 15 - 20 triệu đồng. 

Ngược lên xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, Chủ tịch UBND xã Đắk Ruồng Đinh Ngọc Hải khoe, diện tích mì trên địa bàn là 800ha, hiện thu hoạch được 80%. Ba năm nay, nhờ chuyển đổi sang giống mì mới nên năng suất rất cao, đạt 30 - 40 tấn/ha. Giá mì cũng cao hơn mọi năm rất nhiều nên vụ mì này dân trúng đậm. Đây là cơ sở để các hộ thoát nghèo bền vững trong những năm tiếp theo.

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Focecov Tây Nguyên (xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy) Trịnh Văn Xuân, tại huyện Kon Rẫy, tổng sản lượng mì đạt khoảng 140.000 - 170.000 tấn/năm. Vụ năm nay, đơn vị đã thu mua khoảng 70.000 tấn mì của dân với giá 2.500 - 3.000 đồng/kg. Các nhà máy ở miền Trung vì “khát” hàng nên cũng đặt mua 50.000 tấn mì. Tính ra, mỗi hécta, nông dân lời 15 - 40 triệu đồng. 

Ngoài cây mì, các cây trồng khác cũng đang cho thu hoạch và được giá như: dưa hấu, khoai lang, mía, lúa. Đơn cử như dưa hấu, ước tính tỉnh Gia Lai có gần 1.500ha dưa, nằm nhiều ở 4 địa phương vừa mới xảy ra dịch Covid-19 như thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện, Ia Pa và Krông Pa. Huyện Krông Pa là địa phương có diện tích dưa hấu khoảng 700ha. Nhờ điều kiện thuận lợi, cây dưa hấu sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, bình quân đạt 40 - 50 tấn/ha. Nếu trước tết, giá dưa chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg thì đến thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 này, dưa hấu bán tại ruộng có giá 7.000 - 8.000 đồng/kg loại xô; còn dưa tuyển có giá trên 10.000 đồng/kg. Ông Huỳnh Thanh Táo (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) khoe, vụ mùa này, gia đình ông thu được 50 tấn, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi khoảng 200 triệu đồng.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) Đinh Xuân Duyên cho biết, mức giá thu mua hiện nay là cao nhất từ trước đến nay. Tính ra, nông dân trồng dưa lời khoảng 200 triệu đồng/ha. Việc dưa hấu được mùa, được giá cũng kéo theo lượng lớn nhân công có thu nhập cao từ việc thu hái cho các chủ ruộng dưa. Trên địa bàn còn có cây mía chiếm diện tích khoảng 1.000ha. Hiện giá thu mua mía đang ở mức 950 đồng/kg, cao hơn trong 2 năm trở lại. Mỗi hécta, nông dân trồng mía lời khoảng 25 - 30 triệu đồng. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn nổi lên khoai lang Nhật mang lại hiệu quả kinh tế nhất định. Khoai lang được trồng nhiều từ 2 năm nay và trồng xen giữa 2 vụ lúa với diện tích khoảng 647ha. Hiện nay, bà con bắt đầu thu hoạch với năng suất 25 tấn/ha, giá thu mua ở mức 8.800 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay và nhờ vậy, giá trị cây khoai lang mang lại gấp 3 lần so với cây đậu, bắp mà bà con trồng trước khi chuyển sang trồng khoai.

Tin cùng chuyên mục