Giá như…

Nếu có thời gian theo dõi các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay mới thấy, không chỉ các bạn trẻ mà ngay cả những doanh nghiệp đã hoạt động có kinh nghiệm vài năm cũng vẫn bị “bẫy” bởi những lý do được gọi là “lãng xẹt”.
Chẳng hạn như bị lừa đảo vì email lạ, các cuộc điện thoại lạ, những đối tác “ma”… Câu chuyện này vẫn thường được các chuyên gia kinh tế, luật sư, nhà khoa học nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Nhưng rõ ràng, chắc chắn phải dùng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu” mới hy vọng cảnh báo phần nào giúp doanh nghiệp bớt gặp rủi ro. 

Dễ thấy nhất phải kể tới câu chuyện, giám đốc một số thương hiệu lớn chật vật đi kiện đòi thương hiệu của mình ở các nước phát triển, được chính trọng tài viên của các trung tâm trọng tài thương mại kể lại khiến người nghe chỉ biết ngạc nhiên xen lẫn tiếc rẻ. Ngạc nhiên vì doanh nghiệp chỉ mải lo kiếm tiền mà quên bảo vệ mình.

Còn tiếc rẻ ở chỗ nhiều doanh nghiệp tên tuổi không thể kiện đòi cái thứ mà mình… chưa có. Bởi lẽ, họ chưa đăng ký thương hiệu thì pháp luật làm sao bảo hộ doanh nghiệp được. Hoặc như trường hợp các doanh nghiệp khởi nghiệp kiện nhau đến “sứt đầu mẻ trán”, tranh giành quyền ảnh hưởng dẫn đến tan rã cả công ty đã từng gầy dựng bằng tâm huyết, mà một trong những lý do lại là thiếu các giao kết pháp lý mang tính căn bản ngay từ lúc đầu. Do quá tin tưởng hoặc cả nể, doanh nghiệp khởi nghiệp có tâm lý cứ làm giàu đi rồi pháp lý tính sau. 

Tất nhiên, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp lơ là, từ đó dắt dây tới các vụ kiện cáo thương mại kéo dài, tốn kém ở cả trong nước lẫn quốc tế. Bằng chứng là không ít trung tâm trọng tài thương mại của nước ta đã hỗ trợ giải quyết các vụ việc này. Sau khi giải quyết xong các vụ tranh chấp, điều còn đọng lại ở mỗi trọng tài viên, các luật sư chính là 2 chữ “giá như”. Giá như doanh nghiệp hiểu luật sớm, giá như doanh nghiệp bớt chủ quan, giá như doanh nghiệp được tư vấn kỹ lưỡng trước khi hội nhập, giá như doanh nghiệp chủ động hơn… thì chắc hẳn đã không xảy ra những vụ kiện cáo đáng tiếc; thậm chí bị lừa đảo, mất số tiền rất lớn. Nhưng ở đời đâu ai lường trước hết mọi vấn đề. Cạnh tranh trên thương trường vốn dĩ khốc liệt, đặc biệt trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, thì việc kinh doanh càng khó khăn bội phần. Do vậy, các chuyên gia kinh tế vẫn thường khuyến cáo doanh nghiệp, doanh nhân tương lai không ngừng trau dồi kiến thức pháp luật song song với kiến thức làm giàu, vì 2 thứ này luôn bổ trợ cho nhau. 

Rõ ràng, biện pháp “mưa dầm thấm lâu” xem ra hữu hiệu hơn cả, khi mà doanh nghiệp phải ngày đêm ngược xuôi, đôn đáo lo kiếm tiền, đôi khi quên cả việc bảo vệ chính thương hiệu của mình. Từ đó, dẫn tới khả năng những rủi ro tiềm ẩn có thể hạ gục doanh nghiệp bất cứ lúc nào. Tất nhiên, doanh nghiệp cũng không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên trách mà cần phải tích cực củng cố kiến thức, chủ động hội nhập với xu hướng chung của thời đại. Ngoài ra, các trung tâm trọng tài, trung tâm tư vấn pháp luật… hãy kề vai, sát cánh với doanh nghiệp, đồng hành trợ lực để giúp doanh nghiệp có thể vững vàng vượt qua “sóng gió” trên thương trường. Thêm nữa, Nhà nước cũng nên có những chính sách quan tâm, hỗ trợ tích cực, tạo thêm các sân chơi mới mẻ, thú vị cho học sinh - sinh viên, để các em có cơ hội rèn luyện, cọ xát, tiếp thu kiến thức pháp luật một cách tự nhiên và nhuần nhuyễn. Bởi trên hết, đầu tư kiến thức pháp luật cho thế hệ trẻ chính là sự đầu tư cho tương lai. 

Tin cùng chuyên mục