Giá hàng hóa thiết yếu đang hạ nhiệt

Nếu như giá hàng hóa ngoài thị trường liên tục được điều chỉnh theo chiều hướng tăng trước những đợt giá xăng dầu biến động thì hàng bình ổn chỉ điều chỉnh rất ít, thậm chí không điều chỉnh. Việc này đã và đang góp phần tích cực để bình ổn thị trường hàng hóa, chia sẻ áp lực khó khăn trong chi tiêu với người tiêu dùng.

Đảm bảo thấp hơn giá thị trường

Mới đây, Sở Tài chính TPHCM đã đề nghị các doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn thị trường rà soát giá bán để đánh giá việc điều chỉnh phù hợp với mức biến động giảm giá của xăng dầu trong cơ cấu hình thành giá.

Theo Sở Tài chính TPHCM, từ tháng 7 đến đầu tháng 8-2022, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm liên tiếp 4 đợt với mức giảm bình quân 7.270 đồng/lít xăng và 6.110 đồng/lít dầu diesel. Chính vì vậy, sở này đề nghị các DN tham gia bình ổn thị trường rà soát mức giá bán đăng ký tham gia chương trình hiện nay để đánh giá việc điều chỉnh phù hợp với mức biến động giảm giá của xăng dầu. Trường hợp điều chỉnh giảm giá, các DN có văn bản đăng ký gửi về Sở Tài chính TPHCM, trường hợp không điều chỉnh giảm giá, DN cũng phải có văn bản phản hồi, phân tích cụ thể cơ cấu hình thành giá làm cơ sở để xem xét điều chỉnh thời gian tới.

Liên quan đến giá hàng hóa nói chung, hàng bình ổn nói riêng, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) chia sẻ, thời gian qua, các DN thuộc hội này đã gánh vác rất nhiều và chịu nhiều áp lực đảm bảo trạng thái hoạt động liên tục dù chấp nhận lỗ. Do đó, việc giá xăng giảm liên tiếp 4 lần là tín hiệu đáng mừng, giúp chặn đà tăng giá của hàng hóa.

Trên thực tế, theo các DN thuộc FFA thì giá bán các mặt hàng bình ổn thị trường như lương thực, thực phẩm trên địa bàn TPHCM vẫn bảo đảm thấp hơn thị trường theo tiêu chí của chương trình. Đơn cử như mặt hàng trứng gia cầm vẫn đang thấp hơn thị trường từ 10-15%, trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào đang tăng cao. Hay với thịt heo, DN xin điều chỉnh mức giá bình ổn khi giá heo hơi đang ở mức 60.000 đồng/kg, và mức điều chỉnh cũng không cao. Tuy nhiên, sau đó giá heo hơi tăng lên trên 70.000 đồng/kg, và hiện nay giảm xuống còn 64.000-65.000 đồng/kg, mức giá này vẫn cao hơn giá cơ sở.

Bắt tay giữ và giảm giá, phục vụ người tiêu dùng

Chia sẻ câu chuyện bình ổn thị trường cũng như giải pháp giữ và “hạ nhiệt” giá hàng hóa, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, hiện giá hàng hóa trong các siêu thị bán lẻ của Saigon Co.op vẫn đang duy trì mặt bằng giá của đầu năm. Chỉ có một số ít phải điều chỉnh giá theo giá xăng tăng, song lại không phải hàng hóa thiết yếu, không ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu của người dân. Tuy vậy, Saigon Co.op đang làm việc với các DN để điều chỉnh lại mức giá cho phù hợp.

Để làm được như vậy, theo ông Nguyễn Anh Đức, Saigon Co.op đã có sự cam kết chặt chẽ về hỗ trợ vị trí, quầy kệ với các nhà sản xuất, cung cấp, nhà cung ứng trực tiếp. Song song đó, các bên ký kết hợp đồng cam kết giữ giá, hỗ trợ chia sẻ giá khi có biến động chung tác động đến giá thành hàng hóa trên thị trường. Có thể kể đến như trong bối cảnh giá xăng liên tiếp tăng, ngành hàng hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa vẫn giữ ổn định giá từ 2-3 tháng. Còn ngành hàng tươi sống, hệ thống Co.opmart và Co.opXtra thực hiện các chương trình khuyến mãi, phần lớn là mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng. Đặc biệt, khi xăng hạ giá, siêu thị đã kịp thời phối hợp với các nhà cung cấp để có kế hoạch giảm giá liên tục ít nhất 3 tháng tới cho các nhóm hàng thiết yếu, hàng bình ổn như các loại gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, một số mặt hàng sữa, gia vị, các loại thực phẩm khô. Ví dụ như các mặt hàng rau củ quả, trái cây luôn được giảm giá từ 15-20%; các mặt hàng hóa mỹ phẩm như nước giặt, nước rửa chén, nước xả… được giảm từ 20-51%; các mặt hàng phục vụ năm học mới cũng được giảm từ 15-50%.

Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, sự vào cuộc và chung tay của các DN tham gia bình ổn thị trường đã và đang góp phần tích cực vào kìm giá, giữ giá hàng hóa, phục vụ người dân.

Cũng theo Sở Công thương, để tiếp tục “hạ nhiệt” giá hàng hóa, giai đoạn tới, ngành công thương TPHCM sẽ tập trung nghiên cứu tiết giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa; giảm áp lực tăng giá thông qua xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu với các tỉnh, thành; tái khởi động kế hoạch bán hàng lưu động nhằm kịp thời bổ sung nguồn hàng, chặn nguy cơ khan hàng, sốt giá cục bộ; đẩy mạnh phân phối hàng bình ổn thị trường đến người lao động tại các quận vùng ven, huyện ngoại thành, KCX-KCN, khu công nghệ cao.

Theo ghi nhận của phóng viên, sau thời gian dài neo ở mức cao thì gần đây, giá nhiều hàng hóa thiết yếu tại thị trường TPHCM đã bắt đầu “hạ nhiệt”. Cụ thể, dầu ăn đã đồng loạt giảm 2-3%. Theo đó, dầu Neptune loại 1 lít được áp dụng từ tháng 8 có giá 56.900 đồng/lít, giảm 2% so với tháng 6, dầu Meizan giảm 9% còn gần 42.000 đồng/lít, giảm sâu nhất là dầu ăn Orchid giảm 13% còn 36.200 đồng/lít. Đối với thực phẩm tươi sống như rau củ quả cũng giảm từ 5.000-7.000 đồng/kg so với cuối tháng 7-2022.

Tin cùng chuyên mục