Gia hạn Cơ chế minh bạch và kiểm soát xuất khẩu vaccine Covid-19: EU bị phản ứng

Theo báo Straits Times, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết có kế hoạch gia hạn Cơ chế minh bạch và kiểm soát xuất khẩu vaccine Covid-19 sau khi cơ chế này kết thúc vào ngày 31-3. Tuyên bố trên được đưa ra khi Italy trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) ngăn lô hàng 250.000 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca xuất khẩu sang Australia. Động thái này lập tức gây ra những phản ứng trái chiều.
Vận chuyển vaccine Covid-19 đến một trung tâm tiêm chủng tại Rome, Italy
Vận chuyển vaccine Covid-19 đến một trung tâm tiêm chủng tại Rome, Italy

Xu hướng đáng ngại 

Lý giải hành động ngăn xuất khẩu, Bộ Ngoại giao Italy cho biết, quyết định được đưa ra do việc thiếu hụt vaccine thường xuyên tại Italy và EU, sự chậm trễ của AstraZeneca trong việc giao hàng cũng như số lượng lớn liều vaccine mà hãng này muốn xuất khẩu. Hơn nữa, Australia không được coi là quốc gia đang gặp nhiều khó khăn. 

Tuy được cho là phù hợp với Cơ chế minh bạch và kiểm soát xuất khẩu vaccine Covid-19 vì đây là cách thức “tự vệ chính đáng”, nhưng hành động của Italy cũng như EU đối mặt với nhiều chỉ trích từ những nước bên ngoài EU. Việc gia hạn thời gian thực hiện cơ chế trên đến tháng 6 cũng vấp phải sự phản đối từ giới chuyên gia y tế cũng như dư luận trên thế giới. Một số nước cho rằng EU đang “phát tín hiệu xấu” trong cuộc chiến vaccine. Giới chức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kêu gọi EU nên chấm dứt cơ chế vào cuối tháng 3. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng đây là một phần của xu hướng rất đáng lo ngại, có thể gây hại cho chuỗi cung cấp vaccine toàn cầu. 

Cơ chế của EU áp dụng với những vaccine Covid-19 đã nằm trong những hợp đồng đặt mua trước của EC với các hãng dược; được cho chủ yếu nhằm vào hãng dược phẩm AstraZeneca. Bởi thời gian qua, EU và hãng dược phẩm này đã có những tranh cãi khi AstraZeneca cho biết chỉ có thể cung cấp được 40 triệu liều vaccine cho EU trong quý 1-2021, dù trước đó đã cam kết 120 triệu liều. Tại EU, AstraZeneca có các cơ sở sản xuất vaccine đặt tại Hà Lan, Bỉ, Đức và Italy. Đối với Italy, số liều vaccine mà hãng này cung cấp ít hơn khoảng 15% so với cam kết ban đầu.

Ráo riết tìm nguồn cung

Bà Mariangela Simao, Trợ lý Tổng giám đốc WHO về tiếp cận dược phẩm và vaccine, cho rằng, ở giai đoạn này, bất cứ nước nào đặt ra các lệnh cấm xuất khẩu hay những rào cản xuất khẩu sẽ gây cản trở việc vận chuyển và sản xuất vaccine. Theo giới quan sát, việc EU đưa ra cơ chế trên cũng như tìm cách kéo dài thời gian áp dụng xuất phát từ lý do muốn đảm bảo liều lượng vaccine được cung cấp đến người dân, qua đó cũng tránh nguy cơ xảy ra làn sóng dịch mới. Theo số liệu của WHO, mặc dù EU đưa ra chiến lược tiêm chủng vaccine từ rất sớm, nhưng các nước trong khối này đang có dấu hiệu rơi vào tình trạng hỗn loạn do việc thiếu hụt nguồn cung vaccine, khiến chỉ có khoảng trên 5,5% dân số EU được tiêm vaccine (trong khi con số này tại Anh là trên 30%).

Tình trạng này đã khiến một số quốc gia ráo riết tìm nguồn cung từ bên ngoài thay vì chờ đợi số vaccine được phân phối dựa theo hợp đồng ban đầu. Chính phủ Áo dự định làm việc với Israel và Đan Mạch về việc hợp tác sản xuất vaccine trong tương lai, xoay quanh việc phát triển vaccine thế hệ 2 để chống lại các biến thể virus mới. Các quốc gia EU khác đã tìm đến Nga và Trung Quốc để lấp lỗ hổng trong việc cung cấp vaccine thông qua mua sắm đơn phương. Slovakia - nước có tỷ lệ tiêm chủng 2,6%, dưới ngưỡng tỷ lệ hiện tại của EU là trên 4%, đã cấp phép khẩn cấp cho vaccine Sputnik V của Nga, sau khi việc cung cấp vaccine Pfizer và AstraZeneca bị đình trệ. Tổng thống Cộng hòa Czech Miloš Zeman tuyên bố rằng nước này có thể phân phối vaccine Sputnik V nếu vaccine được cơ quan quản lý trong nước cấp phép. Trước tình trạng một số nước EU rẽ lối đi riêng, các nhà lãnh đạo EU cho biết đang tập trung vào việc đưa chiến dịch tiêm chủng của khối trở lại đúng hướng.

Tin cùng chuyên mục