Gia cố trụ cột thứ 3

Môi trường luôn được xác định là “trụ cột phát triển thứ 3”, song nguồn nhân lực và tài lực dành cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) hiện nay còn xa mới đáp ứng được yêu cầu. 
Đoàn viên thanh niên ra quân cải tạo các điểm đen ô nhiễm môi trường
Đoàn viên thanh niên ra quân cải tạo các điểm đen ô nhiễm môi trường

Đơn cử, nhìn vào những số liệu tập hợp Bộ TN-MT chuẩn bị báo cáo Quốc hội tại kỳ hội thứ 9 tới đây thì thấy, hiện tỷ lệ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về BVMT của nước ta ở mức 24 người/1 triệu dân. Trong khi, tỷ lệ này của các nước trên thế giới cao hơn nhiều, như: Campuchia là 55 người, Malaysia là 100 người, Singapore là 330 người, Canada là 155 người, Anh là 204 người...

Bộ TN-MT cho biết, sau khi các lĩnh vực môi trường - địa chính được thu về một đầu mối quản lý, khối lượng công việc tăng lên rất nhiều, nhưng biên chế được bố trí không tương xứng. Đặc biệt, ở cấp xã, mỗi nơi chỉ bố trí 1 - 2 cán bộ làm công tác tham mưu, giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường nhưng lại còn kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác về xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp và nông thôn mới trên địa bàn, không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nhân lực đã vậy, vật lực cũng rất hạn hẹp. “Không đủ kinh phí để hỗ trợ các địa phương, nhất là đối với nhu cầu triển khai một số dự án có vốn đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật, xử lý môi trường; khắc phục, cải tạo ô nhiễm tại các lưu vực sông, khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó lại chưa có cơ chế hiệu quả để huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa BVMT”, Bộ TN-MT nhận định.

Hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề môi trường rất đáng quan ngại. Chất lượng môi trường không khí diễn biến phức tạp và đang xấu dần đi ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TPHCM. Rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý, quản lý hiệu quả. Đáng lưu ý, khối lượng chất thải rắn phát sinh với thành phần ngày càng phức tạp, nhất là rác thải điện tử, túi ni lông không được thu gom, xử lý đúng cách, gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý. Ô nhiễm nước mặt tại các lưu vực sông chính, như lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Bắc Hưng Hải, sông Cầu, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Sài Gòn - Đồng Nai đoạn chảy qua các đô thị, khu dân cư vẫn nghiêm trọng. Trong năm 2019, tình trạng cá chết hàng loạt tại sông, hồ vẫn xảy ra; ô nhiễm mùi từ các sông, hồ, kênh rạch nội thành gây bức xúc cho người dân. Trên phạm vi cả nước, tỷ lệ đô thị loại 4 trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đạt 21,35%, với 49 nhà máy, trạm xử lý nước thải đô thị tập trung đang được khai thác, vận hành. Chưa kể, một nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm không khí là do sự gia tăng phương tiện cá nhân, do thói quen đốt rơm rạ khi canh tác nông nghiệp. Năng lực thu gom chất thải rắn còn hạn chế, ý thức của người dân chưa cao, rác không được phân loại tại nguồn…

Để củng cố chân kiềng phát triển thứ 3, rất cần có sự chung tay của toàn xã hội. Tại kỳ họp thứ 9 tới đây, khi việc sửa đổi Luật BVMT được Quốc hội xem xét, cần có thêm những chế tài nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, cũng như khuyến khích tinh thần tự giác, tự nguyện đóng góp vào sự nghiệp BVMT.

Tin cùng chuyên mục