Gây nhiễu thông tin về biến đổi khí hậu

Tháng 11-2021, Tổ chức phi chính phủ Global Witness, trụ sở ở Anh, đã công bố danh sách 503 nhà vận động hành lang, đại diện 100 công ty dầu mỏ và hơn 30 hiệp hội trong ngành này, có mặt tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland (Anh).
Tuần hành kêu gọi chống biến đổi khí hậu tại London tháng 11-2021
Tuần hành kêu gọi chống biến đổi khí hậu tại London tháng 11-2021

Gieo rắc hoài nghi 

Trước đó, vào tháng 10, Tổ chức phi chính phủ Greenpeace tại Anh cũng đã công bố một vụ rò rỉ thông tin về vận động hành lang tại LHQ. Các tài liệu cho thấy, một số quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất đã cố gắng thay đổi báo cáo khoa học của Hội đồng Khoa học LHQ về cách ứng phó với biến đổi khí hậu. Báo cáo này là tài liệu cơ sở cho lãnh đạo của các quốc gia thảo luận tại COP26, để đưa ra các cam kết quan trọng nhằm giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C. Khoảng 32.000 hồ sơ đã được trình lên LHQ, kêu gọi loại bỏ những từ khóa trong báo cáo về nhiên liệu hóa thạch hoặc hạ thấp nhu cầu chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch. 

Theo đài RFI, các nhà vận động hành lang - được tài trợ bởi ngành công nghiệp dầu mỏ, chưa từng vắng mặt ở bất kỳ hội nghị về khí hậu nào. Chiến lược mà họ sử dụng là làm sai lệch thông tin và gieo rắc hoài nghi về các vấn đề khí hậu. Mục tiêu của họ, hay chính xác là của những ông lớn “vàng đen”, là nhấn chìm cuộc huy động nhằm chống lại tình trạng khủng hoảng khí hậu từ nhiều thập niên qua.

Bà Carine Thibault, người đại diện tại văn phòng của Greenpeace ở Brussels (Bỉ), cho biết: “Từ những năm 1970, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, nhất là dầu mỏ, đã thải ra khí CO2, làm bầu khí quyển nóng lên và là mối đe dọa cho tất cả mọi người trên Trái đất. Cũng từ thời điểm đó, nhiều chiến dịch truyền thông nhằm ngăn trở các hành động về khí hậu đã xuất hiện. Các doanh nghiệp lớn về nhiên liệu hóa thạch có mặt tại các hội nghị khí hậu nhằm tác động lên các chính sách ảnh hưởng đến lợi ích thương mại của họ”.

Brussels có thể được gọi là mảnh đất màu mỡ của các nhà vận động hành lang, khi ước tính gần 30.000 người hoạt động trong lĩnh vực trên. Mục tiêu cuối cùng của họ là chấm dứt các hành động loại bỏ khí thải CO2. 

Các viện nghiên cứu “tiếp tay”

Đằng sau các nhà vận động hành lang là các nhà nghiên cứu phản bác lập luận Trái đất nóng lên là do nguyên nhân con người. Họ là những người làm việc trong các viện nghiên cứu danh giá. Thế nhưng, như Viện Nghiên cứu Cato của Mỹ (viện tư vấn chiến lược duy nhất làm ra các báo cáo khoa học hay có đội ngũ vận động hành lang đông đảo với nhiệm vụ phản biện lại việc nóng lên toàn cầu là từ khí thải CO2), lại được đồng sáng lập bởi Charles Koch, Giám đốc Điều hành (CEO) Tập đoàn Dầu khí Koch Industries. Theo trang Exxonsecret của Greenpeace, Mỹ, Viện Nghiên cứu Cato nhận được số tài trợ khổng lồ từ các ông lớn dầu khí khác như ExxonMobil và Shell. 

Viện Tư vấn Competitive Enterprise (Mỹ), một viện nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực tương tự, chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ bên ngoài. Nhiệm vụ của viện này là gieo rắc hoài nghi về biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo Báo Le Monde, đa số các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, cứ 2 người Mỹ thì có 1 người không đồng ý và còn nghi ngờ với sự đồng thuận của giới khoa học về vấn đề khí hậu. 

Cuối tháng 10 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã cáo buộc các tập đoàn năng lượng hóa thạch về chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch kéo dài hàng thập niên, liên quan đến vai trò của nhiên liệu hóa thạch gây ra sự nóng lên toàn cầu. Giám đốc điều hành của ExxonMobil Daren Woods bác bỏ cáo buộc này tại phiên điều trần tại Hạ viện. Theo AP, sự xuất hiện của 4 CEO từ ExxonMobil, Chevron, BP và Shell tại Hạ viện Mỹ làm nhiều người liên tưởng đến phiên điều trần cấp cao vào những năm 1990 với CEO các doanh nghiệp thuốc lá, khi họ cố biện minh rằng nicotine không phải là chất gây nghiện. Chiến lược gieo rắc sự hoài nghi về minh chứng khoa học đã được các nhà vận động hành lang của các doanh nghiệp này sử dụng trong vài thập niên, cho đến khi các quy định hạn chế thương mại thuốc lá được ban hành. 

Các tập đoàn gây ô nhiễm nhất thế giới còn hành động ngay tại giảng đường, gây sức ảnh hưởng cho các viện nghiên cứu của các trường đại học danh giá nhất thế giới. Theo Hãng tin Bloomberg, quỹ tài trợ của Đại học Harvard, dành cho nghiên cứu về nhiên liệu hóa thạch, trị giá gần 42 tỷ USD vào năm 2020. Và nhà tài trợ chính, không ai khác, vẫn là ExxonMobil, một trong những “ông trùm” dầu khí thế giới. Trường Đại học Stanford cũng nhận được tài trợ trị giá 22 tỷ USD cho nghiên cứu về năng lượng tái tạo từ các công ty khai thác than và dầu khí. 

Theo ông Geoffrey Supran, chuyên viên nghiên cứu tại Khoa Lịch sử và Khoa học ở Đại học Harvard, nguồn tài trợ khổng lồ từ các công ty nhiên liệu có thể cho phép các công ty này định hướng đề tài nghiên cứu của sinh viên. Tính minh bạch và kết quả nghiên cứu có khả năng cao sẽ bị tác động.

Ông Jerry Taylor, người được truyền thông Mỹ gắn mác chuyên gia khí hậu, là một trong những nhà vận động hành lang được tuyển vào Viện Nghiên cứu Cato từ cuối những năm 1990. Trong phim tài liệu điều tra về vận động hành lang khí hậu, phát sóng vào cuối tháng 10-2021 trên kênh truyền hình Arte, ông Taylor giải thích: Công việc của tôi là phát biểu trên truyền thông để phản biện các chính sách về khí hậu. Tôi được tuyển để đánh lạc hướng dư luận. Sự đa nghi về các vấn đề khí hậu dựa trên sự truyền bá hoài nghi về khoa học. Trong các bài phát biểu của tôi, việc phản biện các dữ liệu khoa học là nhân tố chính. Đối với những người không có quan điểm về sự nóng lên toàn cầu, những người như tôi sẽ giải thích cho họ rằng đó không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Tin cùng chuyên mục