Gap Year: Chưa đủ mạnh, đừng ra gió

Đối mặt với những khó khăn trước ngưỡng cửa bước vào đời, nhiều bạn trẻ hiện đại mạnh dạn chọn phương án Gap Year để giải quyết khủng hoảng tâm lý công việc bản thân. Một năm không quá dài, nhưng liệu người trẻ có đủ bản lĩnh khi tạm ngừng mọi việc, và liệu bắt hành trình bắt đầu lại sau 365 ngày gián đoạn có dễ dàng…
Bạn trẻ học cách thích nghi với làm việc nhóm, trước khi quyết định Gap Year. ẢNH: NAM THI HOUSE
Bạn trẻ học cách thích nghi với làm việc nhóm, trước khi quyết định Gap Year. ẢNH: NAM THI HOUSE

Gap Year hay trốn chạy?

“Gap Year” xuất phát từ thuật ngữ chỉ một kỳ nghỉ kéo dài khoảng một năm, thường là khoảng nghỉ của học sinh cấp 3 trước khi bước vào giảng đường đại học; hoặc khoảng nghỉ của sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, trước khi bắt đầu đi làm. Vài năm trở lại đây, “Gap Year” như một xu hướng phổ biến trong giới trẻ hiện đại, là cách để giải quyết khủng hoảng của bản thân, nhất là những vấn đề liên quan đến tâm lý.

Quyết định bảo lưu một năm học tại trường và nộp đơn xin việc vào một công ty tổ chức sự kiện - truyền thông (có địa chỉ tại phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM), Mai Thùy Trâm (19 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ: “Để đi đến quyết định này, một phần do tôi vừa trải qua chuyện không vui trong tình cảm. Hiện tại, những giờ học trên lớp, tôi không tập trung được và không thấy hứng thú, nên nộp đơn xin bảo lưu. Tất nhiên, tôi đặt cho mình mốc thời gian một năm thôi và nhất định phải học xong đại học. Chuyện đi làm hiện tại là để có nhiều trải nghiệm thực tế hơn và mình giao tiếp xã hội nhiều hơn, vì bản thân tôi khá tự ti trong việc bắt chuyện với người khác”.

Theo khảo sát mới đây của Anphabe (công ty về giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng toàn diện và điều hành mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý tại Việt Nam, có hơn 500.000 thành viên) với gần 14.000 sinh viên trên toàn quốc, có tới 95% gen Z biết rõ mình thích và không thích làm việc trong lĩnh vực nào. Nhưng khảo sát khác từ thực tế của Anphabe trong 2 quý đầu năm 2022, nhóm bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z đã ra trường và đi làm trong vòng 1-2 năm, có tới hơn 60% các bạn trẻ nhảy việc trong năm đầu tiên.

Dùng khoản tiết kiệm trong hơn 4 năm đi làm để chi tiêu trong thời gian Gap Year, Nguyễn Thoại Khanh (29 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) kể: “Từ khi đi làm đến giờ, tôi “nhảy” qua 3 công ty, mâu thuẫn công sở chỗ nào cũng có, tôi quyết định dành một năm nghỉ ngơi để đi du lịch, vừa giải tỏa áp lực tâm lý và nhìn nhận lại mọi thứ. Nhưng khoảng thời gian này phải tiết kiệm lắm, vì mình hoàn toàn không có thu nhập thụ động”.

Thanh xuân và thử thách

Với cụm từ “Gap Year”, mạng xã hội có hàng loạt nhóm chia sẻ kinh nghiệm tạm ngừng một năm để làm điều mình thích của bạn trẻ. Gap Year để bắt đầu lại, rẽ hướng khác, chữa lành tổn thương tâm lý, hay du lịch, còn tùy thuộc vào mỗi người, nhưng không ít tình huống Gap Year và ngày trở lại chất chồng áp lực.

Tốt nghiệp đại học ngành ngân hàng, 3 năm đi làm và quyết định Gap Year để đi du lịch, tập tành với những video giới thiệu cảnh đẹp, nhưng thực tế lại không đẹp như mục tiêu mà Nguyễn Thành Vương (28 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) đặt ra. “Một năm nghỉ ngơi và lang thang du lịch cũng hay, nhưng bài toán kinh tế thì chua lắm. Tôi để dành một khoảng dư kha khá cho bản thân thì mới mạnh dạn Gap Year, nhưng cũng chưa đầy một năm, phải nộp hồ sơ xin việc khắp nơi rồi. Đi chơi mãi cũng chán, làm vlog thì mình không có kinh nghiệm, đâu có dễ mà hái ra tiền từ mạng xã hội, nên thôi từ bỏ trước khi “cháy” tài khoản dự phòng”, Vương kể lại.

Không đến một năm, chỉ hơn 3 tháng nghỉ việc, Phạm Thị Thanh Trúc (26 tuổi, nhân viên thiết kế quảng cáo, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cũng bắt đầu tìm việc. Trúc bày tỏ: “Gap Year cũng hay, nhưng xu hướng này không phải ai cũng theo được. Hồi còn đi học, có ba mẹ hỗ trợ thì không sao, bây giờ đi làm, mọi chi tiêu mình tự tính toán, Gap Year mà không có khoản dự phòng là rơi vào bế tắc luôn. Mâu thuẫn trong công việc và không thích những ràng buộc công sở nên tôi tạm nghỉ vài tháng và bắt đầu làm việc tự do, trước khi tìm bến đỗ mới mà mình thích, chứ không dám nghỉ một năm, vì gián đoạn công việc cũng khiến mình lụt nghề”.

Gap Year là điều cần thiết khi người trẻ cần ổn định lại chính mình, nhưng gián đoạn mọi thứ trong một năm và khởi động lại không phải là điều dễ dàng, nhất là với những công việc đòi hỏi việc cập nhật kiến thức, xu hướng mới liên tục. Cân bằng cuộc sống và những áp lực từ công việc, quan hệ xã hội cũng là một thử thách trong chặng đường thanh xuân để người trẻ trưởng thành.

Gần 5 năm làm việc trong lĩnh vực nhân sự, chị Châu Tuyết Mai (29 tuổi, quản lý nhân sự một công ty giao dịch bất động sản tại quận 12, TPHCM) chia sẻ: “Để Gap Year và bắt đầu công việc khác, tôi nghĩ phù hợp với những bạn còn đôi mươi, vì nếu có thất bại, chúng ta vẫn còn thời gian để làm lại. Còn mâu thuẫn công sở, đồng nghiệp không hòa hợp thì ở đâu cũng có, Gap Year chỉ vì những lý do nhỏ này chỉ khiến chúng ta mất thời gian và gián đoạn chuyên môn”.

Tin cùng chuyên mục