Gấp rút giải quyết dòng người tị nạn từ Afghanistan

Ngày 17-8, đường băng tại sân bay Kabul (Afghanistan) được mở lại. Trước đó, đường băng này buộc phải đóng cửa để khắc phục tình trạng mất an ninh gây gián đoạn các chuyến bay sơ tán khi hàng ngàn người dân Afghanistan cố lao lên máy bay rời đất nước sau khi Taliban tiến vào thủ đô.
Người Afghanistan lánh nạn tại khu vực ngoại ô Kabul
Người Afghanistan lánh nạn tại khu vực ngoại ô Kabul

Châu Âu nhóm họp

Vấn đề nóng nhất, cần giải quyết tại Afghanistan hiện nay là khủng hoảng di cư, tị nạn, bởi người dân đang ồ ạt di tản bằng nhiều phương tiện, trong đó có hàng không. Vào thời điểm Taliban tiến gần thủ đô của Afghanistan, Đại sứ quán các nước ở Kabul tràn ngập hồ sơ xin visa, các đường dây vượt biên tăng giá đưa người sang Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni cho rằng châu Âu cần tạo các hành lang nhân đạo để tiếp nhận người tị nạn chạy trốn khỏi Afghanistan, cũng như tránh để tái diễn làn sóng người di cư bất hợp pháp không thể kiểm soát. Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Afghanistan cho biết hiện có khoảng 20.000 - 30.000 người Afghanistan chạy ra nước ngoài mỗi tuần.

Giới lãnh đạo châu Âu đồng loạt lên tiếng về vấn đề này, dự kiến mở cuộc họp nhóm các nước G7 trong ngày 17-8 (giờ địa phương) để thảo luận biện pháp hỗ trợ người dân và ngăn khủng bố ở Afghanistan. Theo Thủ tướng Đức Merkel, điều cần làm trước mắt là đảm bảo người dân Afghanistan nương náu an toàn tại các quốc gia láng giềng. Nhắc lại cuộc khủng hoảng người tị nạn từ Syria đổ về châu Âu năm 2015, bà Merkel cho rằng châu Âu không nên lặp lại sai lầm trong quá khứ khi không cung cấp đủ nguồn quỹ cho UNHCR và các chương trình cứu trợ khác. 

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, Mỹ sẽ chỉ công nhận một chính quyền của Taliban tại Afghanistan nếu Taliban tôn trọng quyền của phụ nữ và không tham gia những phong trào cực đoan như Al-Qaeda.

Từ Fort de Bregancon, Tổng thống Pháp Macron khẳng định điều cấp bách hiện nay là đưa công dân Pháp cũng như những người Afghanistan đã làm việc cho Pháp đến nơi an toàn. Chiến dịch sơ tán khẩn cấp cho công dân Pháp bị kẹt lại ở Afghanistan đã được đưa ra vào tối 15-8. Theo đó, hai máy bay vận tải quân sự cũng như lực lượng đặc biệt đến hiện trường, kết nối Kabul và căn cứ quân sự Al-Dhafra ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bằng cầu hàng không. Cảnh báo nguy cơ về một dòng người di cư bất hợp pháp đến châu Âu, ông Macron kêu gọi EU có phản ứng mạnh mẽ, phối hợp và thống nhất để thiết lập quan hệ hợp tác với các nước quá cảnh và tiếp nhận người tị nạn. Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, đã có 570.000 người Afghanistan xin tị nạn tại EU.

Mỹ hỗ trợ khẩn cấp

Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden thông báo nước này sẽ chi 500 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho người tị nạn ở Afghanistan, bao gồm những người nộp đơn xin thị thực nhập cư đặc biệt. Mỹ đang chuẩn bị di tản hàng ngàn người Afghanistan theo diện nhập cư đặc biệt này để tránh bị Taliban trả thù vì từng làm việc cho Mỹ. Theo hãng tin Reuters, có khoảng 156.000 người Afghanistan đang sống ở Mỹ. Rất đông trong số này đang kêu gọi Washington đón nhận thêm nhiều người Afghanistan hơn nữa. Albania tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận tạm thời hàng trăm người tị nạn Afghanistan trên đường tới Mỹ, trong khi đó Iran bố trí 3 trại tị nạn cho người dân Afghanistan.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bất ổn và hỗn loạn tại Afghanistan hiện nay. Ông kêu gọi lực lượng Taliban bảo đảm cho việc tiếp cận nhân đạo một cách đầy đủ và bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, nhân viên LHQ và ngoại giao đoàn. Ông cũng cho rằng Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế cần thể hiện sự đoàn kết và có tiếng nói chung đối với tình hình tại Afghanistan, cũng như không để lãnh thổ nước này bị các nhóm khủng bố sử dụng làm nơi trú ẩn. 

Theo thông tin từ Liên hiệp quốc, số thương vong của dân thường tại Afghanistan trong 6 tháng đầu năm tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái và được cho là gia tăng ở mức kỷ lục trong những ngày gần đây. Afghanistan cũng tiếp tục đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hơn 18,5 triệu người (hơn 30% dân số) cần hỗ trợ nhân đạo.

Tin cùng chuyên mục