Gặp những người tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh từ hướng Tây Nam

Những ngày cuối tháng 4 năm 2020, khi cả nước hướng về kỷ niệm lần thứ 45 ngày Giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam (30-4), tôi nhận được điện thoại của Thiếu tướng Vũ Viết Cam, từ quê lúa Thái Bình: “Thế nào, dịp lễ này, ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh trung đoàn ta (Trung đoàn 174 - Đoàn Cao - Bắc - Lạng) có tổ chức cho anh em về Long An thăm lại chiến trường xưa?”. 

Tôi báo cáo với thủ trưởng cũ rằng, do dịch Covid-19 vẫn chưa dứt nên không thể tổ chức được. Đành hồi tưởng, kỷ niệm ngày toàn thắng theo cách riêng của mình.

Nhớ những gương mặt ấy

Tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang Miền Đông Nam bộ, những người lính tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cách nay tròn 45 năm gặp nhau. Cựu chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 5 Nguyễn Trọng Lên vừa từ Quảng Ninh bay vào. Đã quá tuổi lục tuần, mái tóc điểm bạc, da sạm đen, nhưng dáng vóc của Nên vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát như thời làm lính trinh sát.

Bên những cỗ pháo, xe tăng trưng bày trong bảo tàng, Nguyễn Trọng Lên không nói nhiều về mình, mà chủ yếu kể về đồng đội: Sau khi hành quân vượt qua “cánh đồng chó ngáp” từ biên giới Mộc Hóa - Vĩnh Hưng về Tân An, chiều 26 - 4, chúng tôi bước vào chiến dịch cuối cùng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là lính trinh sát của tiểu đoàn, chúng tôi có nhiệm vụ điều nghiên, nắm tình hình địch từ Cầu Voi đến Thị xã Tân An. Đang bám địa bàn, nghe tin một số chiến sĩ của Đại đội 5 (K5) đụng độ với địch khi băng qua lộ 4 (nay là quốc lộ 1), một số đồng chí bị bắt, trong đó có Nguyễn Văn Dũng, chiến sĩ liên lạc trẻ tuổi, đẹp trai cùng quê, cùng nhập ngũ một ngày. 

Gặp những người tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh từ hướng Tây Nam ảnh 1 Những chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cuối tháng 4-1975 
tại hướng Tây Nam. Từ trái sang: Nguyễn Trọng Lên, Trần Thế Tuyển, Trình Tự Kha
Chúng tôi quê ở xã Lạc Long, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Dũng có dáng người mảnh mai, nụ cười lúc nào cũng như chực sẵn trên môi. Dũng tâm sự rằng, kết thúc chiến tranh, về quê, mình sẽ đi học tiếp. Đêm ấy, chúng tôi đụng bọn lính bảo an. Tôi nói với anh em vừa bám địch, vừa nắm xem Dũng bị giam ở đâu để tìm cách cứu Dũng. Nhưng chúng tôi chưa thực hiện được ý định thì nhận lệnh của trên tiến công áp đảo địch.

Khí thế quân ta như chẻ tre, từ 5 hướng đang ép sát Sài Gòn. Nhiệm vụ của chúng tôi là chốt chặn, cắt đứt lộ 4 không cho địch từ Sài Gòn tháo chạy về miền Tây Nam bộ và không cho địch từ Cần Thơ lên chi viện cho Sài Gòn.

Tiểu đoàn 5 của chúng tôi do tiểu đoàn trưởng Đinh Bá Đài và chính trị viên tiểu đoàn Bùi Đức Trằn chỉ huy làm mũi chủ công của trung đoàn tiến công giải phóng Thị xã Tân An. Thế ta như vũ bão, sóng trào, trưa 30 - 4 - 1975, dưới sự chỉ huy trực tiếp của trung đoàn phó Vũ Viết Cam, chúng tôi đã cắm cờ Quyết Chiến Quyết Thắng trên nóc dinh Tỉnh trưởng Long An. 

Ngay sau đó, chúng tôi đi tìm Dũng và anh em vừa bị địch bắt. Nhưng người đồng đội, đồng hương không còn nữa. Nguyễn Văn Dũng hy sinh trong tư thế bị địch trói, đôi mắt vẫn mở trừng trừng như đang chờ đồng đội. Thế là ước mơ của Dũng sau khi kết thúc chiến tranh về tiếp tục đi học không bao giờ thực hiện được nữa”.

Kể đến đó, Nguyễn Trọng Lên không nói được nữa. Mắt anh đỏ hoe. Đôi vai rung lên theo tiếng nấc từ trong cổ họng. Một lúc sau, Trọng Lên nói tiếp: Mới đêm qua, tưởng nhớ Dũng và đồng đội hy sinh trước giờ ngưng tiếng súng, một đồng đội của tôi là Phạm Văn Hùng, quê ở thôn Vũ Xá, xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (trước là Hải Hưng), thuộc K8 (hỏa lực 12 ly 7) gọi điện vào cho tôi. Hùng cũng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, bị thương mù hai mắt, nhưng đầu óc anh vẫn tỉnh táo. Hùng kể vanh vách từng ụ mối, góc vườn nơi đại đội hỏa lực của anh chiếm lĩnh và đặc biệt gương mặt từng bạn chiến đấu. Hùng khát khao có ngày thăm lại chiến trường xưa, thắp nhang cho đồng đội đã hy sinh. Trước ngày toàn thắng, đồng đội nằm lại, còn Nguyễn Trọng Lên, dẫu bị thương vẫn sống sót trở về.

Anh đã sống và làm việc thay những người đã khuất và khôn nguôi nhớ những khuôn mặt đồng đội thân yêu ấy.

Tha mạng cho anh ta

Cựu chiến binh - nguyên khẩu đội trưởng thuộc đại đội pháo vác vai DKZ75 Trình Tự Kha có những kỷ niệm không thể nào quên thời tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cách nay đúng 45 năm. Trình Tự Kha kể, để đến được lộ 4 - Tân An, đơn vị của anh phải vượt qua “cánh đồng chó ngáp” thật kỳ diệu. Cánh đồng hoang lầy lội, bom pháo, muỗi vắt, đêm đi ngày nghỉ, các anh phải tháo rời khẩu pháo DKZ 75 ly và 82 ly để hành quân. Trình Tự Kha nói, pháo vác vai cực như thế cũng chẳng “ăn thua” gì với các đơn vị hỏa lực lớn của cấp trên, như cối 120 ly, pháo 105 ly...

Nghe nói, để tạo bất ngờ, cấp trên đã lệnh cho các đơn vị pháo xe kéo và cả thiết giáp, cái gì có thể tháo rời thì tháo ra chuyển bằng xuồng, ghe máy về Bến Lức, Thủ Thừa. Chính vì thế, chiều 26-4-1975, khi bắt đầu nghe tiếng pháo và xe tăng ta gầm lên, địch đã hốt hoảng bỏ chạy. Có chỗ hạ súng, đầu hàng. Nhưng không có chiến thắng nào không phải đổi bằng xương máu của người lính giải phóng.

CCB Trình Tự Kha không thể nào quên chiến sĩ liên lạc của đại đội tên là Nguyễn Văn Trường, bị rơi vào ổ phục kích của lính địa phương và đã bị chúng sát hại. Đây là người lính cuối cùng của đại đội hy sinh ngay trước giờ chiến thắng. T

rình Tự Kha nhớ lại, ngay chiều 30 - 4 - 1975 đã quay lại nơi Trường hy sinh và tìm ra kẻ đã bắn chết Trường. Hắn đã bỏ súng, cởi áo lính chạy về với gia đình. Nhìn hắn và vợ con sụp lạy tha tội chết, các anh đã kiềm chế lòng mình, chĩa khẩu AK47 lên trời xả hết một băng đạn, vừa cho hả giận vừa vĩnh biệt Trường.

Chiến tranh đã kết thúc, không nên thêm một người nữa phải chết. Đã 45 năm trôi qua, cựu khẩu đội trưởng DKZ Trình Tự Kha vẫn nhớ mãi ánh mắt biết ơn của người lính phía bên kia ấy. Không biết bây giờ anh ta còn sống và đang ở đâu?

Và, món nợ với đồng đội

Dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn như xưa, nhưng Thiếu tướng Vũ Viết Cam, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 174 - đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh từ hướng Tây Nam, cùng vợ vượt hàng ngàn cây số vào thăm chiến trường xưa. Tôi gặp anh Cam từ lần đánh Chi khu Long Khốt đợt đầu tiên năm 1972. Hồi ấy, anh làm cán bộ tiểu đoàn. Quê Thái Bình, da trắng, dáng nhỏ thó, thư sinh nhưng anh Cam là một cán bộ kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu. Lịch sử ghi Trung đoàn 174 hai lần đánh Long Khốt. Nhưng Trung đoàn phó Vũ Viết Cam nói, anh đã chỉ huy nhiều lần đánh Long Khốt kể từ lúc anh còn là cán bộ tiểu đoàn, tham mưu trung đoàn rồi làm trung đoàn phó. Chiến dịch Hồ Chí Minh cuối tháng 4 - 1975, là trung đoàn phó, anh được giao trực tiếp “nắm” Tiểu đoàn 5 và các đơn vị trực thuộc đảm nhiệm hướng chủ công đánh chiếm Thị xã Tân An. 

Vũ Viết Cam bồi hồi xúc động khi nói về đồng đội: “Chỉ còn ít giờ nữa chiến tranh kết thúc mà bộ đội ta vẫn phải hy sinh. Không biết phần mộ của các đồng chí ấy nay ở đâu?”.

Câu hỏi của thủ trưởng cũ làm tôi nhớ lại hàng trăm ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Hưng - Long An vẫn còn ghi: “Tên Anh chưa ai biết!”. Các chiến sĩ của trung đoàn phó Vũ Viết Cam nằm ở đó! Tôi nghĩ thế. Và, nghĩ thế cho nên chiến tranh đã kết thúc mấy chục năm nay, hành trình đi tìm đồng đội của chúng tôi vẫn không ngừng ngơi nghỉ.

Tôi thông báo cho anh Cam biết, khu vực Đồn Long Khốt, nơi trận địa xưa của chúng tôi, nơi hơn 1.000 đồng đội đã hy sinh vừa được nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Một dự án lớn với nhiều công trình, hạng mục thu hút nguồn lực xã hội sắp được thực hiện để tri ân những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc.

Thiếu tướng Vũ Viết Cam vui mừng lắm. Giọng vị tướng trận tuổi sắp bát tuần trầm đục: “Đó là món nợ của chúng ta - những người đang sống - với đồng đội đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho đất nước”.
-----------
(*) Đại tá - Trưởng ban Liên lạc CCB Trung đoàn 174 (Đoàn Cao - Bắc - Lạng) tại TP Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục