Gặp nhà báo Cuba cuối cùng phỏng vấn Bác Hồ

Bà Marta Rojas Rodrigues, sinh năm 1928, là thành viên sáng lập báo Granma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba...Bà đã xuất bản 3 cuốn sách viết về Việt Nam và đọc nhiều tham luận ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên nhiều diễn đàn quốc tế...
Nữ nhà báo Marta Rojas Rodrigues (giữa) cùng ban lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM và Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba TPHCM
Nữ nhà báo Marta Rojas Rodrigues (giữa) cùng ban lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM và Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba TPHCM
Bà Marta Rojas Rodrigues, sinh năm 1928, là thành viên sáng lập báo Granma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba. Bà từng là phóng viên nổi tiếng với loạt bài viết về phiên tòa của chế độ độc tài Batista xét xử lãnh tụ Fidel Castro năm 1953. Trong thời gian từ năm 1965-1967, nhà báo - nhà văn Marta Rojas đã 13 lần đến Việt Nam với tư cách phóng viên chiến trường. Đặc biệt, vào tháng 7-1969, bà là một trong những nhà báo nước ngoài cuối cùng phỏng vấn Bác Hồ trước khi Bác mất. Bà đã xuất bản 3 cuốn sách viết về Việt Nam và đọc nhiều tham luận ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên nhiều diễn đàn quốc tế. Trở lại TPHCM vào trung tuần tháng 4-2017, mặc dù thời gian rất eo hẹp và tuổi cao, nhưng bà vẫn vui vẻ trò chuyện sôi nổi với phóng viên Báo SGGP.


 Phóng viên: Xin bà cho biết về bối cảnh cuộc gặp phỏng vấn Bác Hồ?

 Bà MARTA ROJAS RODRIGUES:
Năm 1965, từ căn cứ cách mạng miền Nam ở Tây Ninh ra Hà Nội, tôi có nguyện vọng gặp Bác Hồ. Lúc ấy, Bác rất bận. Vì vậy, Bác cử bác Phạm Văn Đồng tiếp tôi. Bác Đồng chuyển lời của Bác Hồ hỏi thăm tôi và hẹn sẽ gặp tôi dịp khác. 

Đến tháng 7-1969, nhà báo Hoàng Tùng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã đưa tôi đến phỏng vấn Bác Hồ. Chúng tôi rời khách sạn lúc 6 giờ 30, đến 7 giờ 15 thì tới Phủ Chủ tịch. Thời tiết lúc đó mát mẻ, chim hót véo von trong vườn Phủ Chủ tịch. Chúng tôi đi vào ngõ bên hông Phủ Chủ tịch. Từ phía xa, tôi đã nhận ra bóng dáng Bác thật giản dị trong bộ pyjamas màu sáng, mang sandal và vớ trắng. Bác ôm tôi thắm thiết như ôm đứa con từ xa mới về.

 Cuộc phỏng vấn diễn ra như thế nào, thưa bà?


 Tôi không ngờ, từ người phỏng vấn, tôi trở thành người được Bác phỏng vấn. Nói đúng hơn, cuộc phỏng vấn trở thành cuộc trò chuyện thân mật. Đầu tiên, Bác hỏi thăm sức khỏe của đồng chí Fidel Castro. Là lãnh tụ của nhân dân Việt Nam nhưng Bác có phong thái rất gần gũi, lịch thiệp với phóng viên nước ngoài. Bác dẫn chúng tôi vào phòng làm việc cạnh Phủ Chủ tịch. Mặc dù lúc đó tình hình sức khỏe của Bác không được tốt và bác sĩ căn dặn Bác nghỉ ngơi, nhưng Bác vẫn tiếp chúng tôi. Bác còn giới thiệu với chúng tôi căn phòng là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Bác (lúc này Bác không còn ở nhà sàn vì sức khỏe không cho phép Bác lên xuống cầu thang). 

Chúng tôi gồm 3 người: Nhà báo Hoàng Tùng, tôi và anh phiên dịch, cùng ngồi xuống bàn trò chuyện với Bác. Bác tiếp tục hỏi tôi về chuyến đi đến chiến trường miền Nam, cảm nhận về các chiến sĩ và nhân dân miền Nam. Bác hỏi tôi cảm nhận về lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa treo ở vĩ tuyến 17 như thế nào. Tôi trả lời lá cờ rất to và đẹp. Bác cho biết thêm, ở đó có tổ công tác chuyên chăm sóc lá cờ để lúc nào cũng phải đẹp hơn cờ của phía bên kia. Bác cho biết hàng ngày đều làm việc với đồng chí Hoàng Tùng về thông tin ở chiến trường miền Nam. Bác nói: “Tôi hiến dâng cả cuộc đời mình cho nhân dân tôi”. Câu nói in đậm trong tâm trí tôi. Sau khi trả lời một số câu hỏi của tôi, Bác chỉ vào chiếc radio và cho biết Bác thường xuyên nghe đài để biết tình hình ở chiến trường miền Nam, tình hình thế giới, và đặc biệt Bác nói rất thích các bài diễn văn của đồng chí Fidel Castro. Bác hỏi thăm tôi rất nhiều về cuộc sống của người dân Cuba. Cuộc trò chuyện kéo dài 3 giờ 15 phút.

 Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc phỏng vấn Bác là gì thưa bà?

 Trước khi đến phỏng vấn Bác, tôi có chuẩn bị món quà kỷ niệm nhỏ. Đó là chiếc gạt tàn thuốc, vì tôi biết Bác thường hút thuốc. Chiếc gạt tàn làm từ đồng khai thác ở Cuba và cũng là loại đồng nguyên chất nổi tiếng của Cuba. Bác rất cảm động nhưng cho biết bác sĩ khuyên Bác bỏ thuốc, nên chiếc gạt tàn sẽ được dùng vào việc khác. Bác gom hết các kẹp giấy trên bàn đặt vào chiếc gạt tàn. Chiếc gạt tàn ngày nay vẫn ở nguyên vị trí Bác đặt tại phòng làm việc của Bác tại khu di tích Phủ Chủ tịch. 

Sau cuộc phỏng vấn, Bác tiễn chúng tôi hàng chục mét và không quên gửi lời hỏi thăm đồng chí Fidel Castro, đồng thời nhờ tôi nhắn với đồng chí Fidel rằng Bác rất thích các bài diễn văn của đồng chí Fidel. 

Sau khi rời Việt Nam, trên đường trở về nước, tôi ghé văn phòng của hãng thông tấn Prensa Latina ở Paris để chuyển nhanh nội dung cuộc phỏng vấn Bác về nước qua điện tín để kịp đăng báo Granma vào hôm sau.

 Bà biết tin Bác Hồ qua đời trong trường hợp nào? Và cảm giác của bà lúc đó?


 Tôi làm việc tại tòa soạn báo Granma nên tôi biết tin ngay khi Việt Nam ra thông cáo về sự ra đi của Người. Lúc đó tôi vô cùng xúc động, tim tôi như thắt lại. Nhưng trong nỗi đau đó cũng xen lẫn chút tự hào vì mình đã kịp gặp và phỏng vấn Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam và là một vĩ nhân của thế giới.
Bài phỏng vấn Bác Hồ cuối cùng của nhà báo Marta Rojas Rodrigues đăng trên báo Granma Cuba vào tháng 7-1969. Và người dịch bài báo ấy sang tiếng Việt để đăng trên Báo Nhân Dân là nhà báo Minh Đăng Khánh - lúc đó đang công tác tại Báo Cứu Quốc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng nhà báo Minh Đăng Khánh đã chuyển vào công tác tại Báo SGGP. Nhà báo Minh Đăng Khánh đã qua đời cách đây ít lâu. Nếu như cuộc gặp gỡ này diễn ra sớm hơn có lẽ sẽ đầy xúc động vì là  cuộc gặp gỡ của những người đồng chí, đồng nghiệp từng gặp nhau trong từng ý tưởng, từng câu văn, từng con chữ của gần 50 năm về trước.

Tin cùng chuyên mục