Gặp gỡ Thanh Hóa – Hàn Quốc: Hội tụ nguồn lực – Đẩy nhanh phục hồi và phát triển bền vững

Chiều 24-3, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc (22-12-1992 – 22-12-2022), UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức chương trình “Gặp gỡ Thanh Hóa – Hàn Quốc: Hội tụ nguồn lực – Đẩy mạnh phục hồi và phát triển bền vững”.

Chương trình Gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc: Hội tụ nguồn lực - Đẩy mạnh phục hồi và phát triển bền vững
Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 37 dự án FDI của Hàn Quốc và liên doanh Hàn Quốc - Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng hơn 3 tỷ USD.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã viện trợ cho tỉnh Thanh Hóa 5 dự án ODA với tổng nguồn vốn hơn 98 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực: y tế, giáo dục, giao thông, phát triển đô thị.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 88 doanh nghiệp đang có quan hệ hợp tác, xuất nhập khẩu hàng hóa qua thị trường Hàn Quốc, với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt hơn 408 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là may mặc, giày dép, hải sản đông lạnh, bao bì, cói mỹ nghệ, gỗ, dây dẫn điện...

Gặp gỡ Thanh Hóa – Hàn Quốc: Hội tụ nguồn lực – Đẩy nhanh phục hồi và phát triển bền vững ảnh 2 Ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa tặng ngài Park-Noh-wan - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam bức tranh Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Báo Thanh Hóa
Năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa và Chính quyền thành phố Seongnam (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị hợp tác. Kể từ đó đến nay, hai bên đã tích cực trao đổi các đoàn cấp cao để trao đổi phát triển các lĩnh vực cùng quan tâm như: kinh tế, kỹ thuật, phát triển cơ sở hạ tầng, ngoại giao nhân dân, viện trợ phát triển…

Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục kết nối, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Hàn Quốc đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa.

Các lĩnh vực được tỉnh Thanh Hóa kêu gọi, thu hút đầu tư là: công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, y tế, nông nghiệp, hạ tầng. Địa bàn được mời gọi đầu tư là 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh Thanh Hóa là TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn, Thạch Thành - Bỉm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng.

Gặp gỡ Thanh Hóa – Hàn Quốc: Hội tụ nguồn lực – Đẩy nhanh phục hồi và phát triển bền vững ảnh 3 Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, một dự án lớn được Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc và đối tác đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Báo Thanh Hóa
Tỉnh Thanh Hóa mong muốn tiếp tục hợp tác với các đối tác Hàn Quốc trên các lĩnh vực về xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử; tăng cường hợp tác hữu nghị cấp địa phương, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Hàn Quốc; đẩy mạnh hợp tác về giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động, trong đó, được tiếp cận các chương trình học bổng, khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho học sinh, cán bộ, công chức tỉnh Thanh Hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, quy hoạch, quan hệ quốc tế...

Thanh Hóa cũng mong muốn Hàn Quốc hỗ trợ, kết nối, tạo điều kiện cho người lao động của tỉnh xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc; tiếp nhận thêm các dự án viện trợ ODA sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc trong các lĩnh vực: quản lý hành chính công, quản lý nguồn nước, y tế, giáo dục đào tạo, giao thông và cơ sở hạ tầng đô thị.

Tin cùng chuyên mục