Gấp giấy Kami cổ vũ tinh thần chống dịch

Từ những cuộn giấy màu, chị Trần Thị Thanh Thương (quận Bình Thạnh, TPHCM) tỉ mẩn gấp thành những mô hình sống động, mô tả lại hình ảnh y bác sĩ, anh dân quân, tình nguyện viên... tất bật chống dịch. Đeo chiếc khẩu trang, vị bác sĩ bằng giấy nở nụ cười hiền hòa. Tuy được làm bằng giấy, nhưng với những đường gân lượn sóng theo kỹ thuật Kami, những nhân vật trong bộ sưu tập “Chống dịch Covid-19” của chị Thanh Thương trông rất sinh động và có hồn.
Mô hình bác sĩ trong bộ sưu tập “Chống dịch Covid-19” của chị Thanh Thương
Mô hình bác sĩ trong bộ sưu tập “Chống dịch Covid-19” của chị Thanh Thương

Đặc tả tỉ mỉ từng chi tiết của nhân vật, bộ sưu tập từ giấy Kami cổ vũ tinh thần chống dịch của chị Thanh Thương nhận được sự đồng cảm và chia sẻ từ cộng đồng mạng. Nhờ đó, nhiều khách hàng nhờ chị gấp chân dung của các y bác sĩ để làm quà tặng.

Chị Thu Hằng, ngụ quận 3, chia sẻ, ngay từ giữa tháng 6, bạn thân của Hằng đăng ký làm bác sĩ tình nguyện ở Bệnh viện dã chiến số 6. Muốn có một món quà handmade tặng bạn nhân ngày sinh nhật, Hằng nhờ chị Thanh Thương gấp chân dung bạn ấy bằng giấy. Không ngờ món quà mang ý nghĩa tinh thần ấy được bạn của chị Hằng đăng lên mạng xã hội và được nhiều người yêu thích. Từ đó, chị Thương bắt tay làm nhiều hơn các mô hình từ giấy Kami với chủ đề chống dịch Covid-19.

Chị Thanh Thương tâm sự: “Năm 2017, mình được bạn tặng một con búp bê gấp bằng loại giấy gợn sóng rất dễ thương. Sau đó, mình tìm cách làm theo và mong muốn là người tiên phong phát triển loại hình nghệ thuật này”.

Từ đó đến nay, chị Thương đã gấp hơn 300 mẫu giấy Kami cầu kỳ và công phu khác nhau, từ con gà, xe máy, xe đạp cho đến những cầu thủ bóng đá nổi tiếng, các y bác sĩ... Mẫu mã được khách hàng ưa chuộng nhất hiện nay là chân dung. Chỉ cần khách hàng gửi hình nhân vật là chị bắt tay thực hiện được ngay.

Mặc dù vậy, để những cuộn giấy vô hồn trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chị Thương gặp không ít khó khăn, nhất là ở khâu chọn mua giấy. Do ở nước ta không có loại giấy chuyên dụng nên chị phải tìm mua từ Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Có được giấy, chị bắt đầu gấp thử nghiệm theo những hình mẫu ít ỏi trên mạng. Không được ai hướng dẫn, chị tự mày mò, đúc kết được quy trình riêng. Bước một là chọn hình mẫu, chị thường nghiên cứu rất kỹ từng chi tiết của vật mẫu và hình dung luôn trong đầu chi tiết đó nên gấp theo cách nào. Bước thứ hai là chọn giấy và chọn màu. Bước thứ ba là cuốn, xếp, đẩy giấy và cuối cùng là dán giấy, sau đó là trang trí. Trải qua không ít công đoạn, một tác phẩm gấp giấy Kami đơn giản được chị hoàn thiện trong 3-4 giờ, còn những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao và nhiều chi tiết phải mất 2-3 ngày.

Chị Thương hy vọng dịch Covid-19 được đẩy lùi, chị sẽ quảng bá loại hình này nhiều hơn nữa bằng các buổi workshop hướng dẫn học viên khắp mọi miền đất nước. Mong ước của chị là sản phẩm gấp giấy Kami của Việt Nam sẽ được nhiều người biết đến, có thể được gửi đến tay những bạn bè quốc tế.

Tin cùng chuyên mục