Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với an ninh trật tự tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách

Bộ Công an xác định rõ quan điểm, nơi nào để xảy ra tình hình phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) dịp Tết Nguyên đán mà không chủ động phát hiện, xử lý thì người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ Công an.

Liên quan tới đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, từ 15-11, lực lượng công an toàn quốc đã ra quân để triển khai đợt cao điểm. Chánh Văn phòng Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô đã có cuộc trao đổi với báo chí. 

Để xảy ra mất ANTT, xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Theo nhận định của Trung tướng Tô Ân Xô, từ đầu năm đến nay, những biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, nhất là cạnh tranh chiến lược nước lớn, suy giảm kinh tế, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia đã tác động mạnh đến nước ta trên các lĩnh vực, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp về ANTT.
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với an ninh trật tự tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách ảnh 1 Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an

Theo quy luật, cứ đến gần dịp cuối năm và Tết Nguyên đán thì tình hình vi phạm ANTT và hoạt động của các loại tội phạm sẽ diễn biến phức tạp. Năm nay, với việc trở lại điều kiện phát triển bình thường, cùng với những khó khăn về kinh tế -xã hội, đời sống nhân dân tích tụ từ khi có dịch Covid-19 sẽ làm cho tình hình dự báo phức tạp hơn, nhất là hoạt động của các loại tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen, cờ bạc, cá độ bóng đá, tội phạm kinh tế, buôn lậu, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao. 

Chánh Văn phòng Bộ Công an cho rằng, trong đợt cao điểm, lực lượng công an sẽ tăng cường công tác nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguy cơ mất ANTT; quản lý chặt chẽ các loại đối tượng có nguy cơ phạm tội ở địa bàn cơ sở; tăng cường trấn áp các loại tội phạm, nhất là những loại tội phạm nổi lên trong dịp cuối năm như tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến tín dụng đen, cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm kinh tế, buôn lậu, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao...; tăng cường xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn; tổng rà soát, khắc phục các vi phạm quy định về an toàn cháy nổ; ngăn chặn từ sớm, không để tình trạng sử dụng pháo phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán.

Đáng chú ý, theo Trung tướng Tô Ân Xô, trong đợt cao điểm lần này, trách nhiệm của người đứng đầu công an các đơn vị, địa phương tiếp tục được nhấn mạnh. Theo đó người đứng đầu công an các cấp phải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đợt cao điểm đến cấp cơ sở; đồng thời, đối với những vụ việc, vụ án có tính chất nghiêm trọng xảy ra, người đứng đầu, nhất là thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra các cấp phải trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo điều tra làm rõ trong thời gian sớm nhất.

"Bộ cũng xác định rõ quan điểm, nơi nào để xảy ra tình hình phức tạp về ANTT không chủ động phát hiện, xử lý thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ Công an", Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.

Các lực lượng chủ công quét sạch tội phạm dịp World Cup 2022

World Cup 2022 chuẩn bị diễn ra, đây là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá. Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Bộ Công an đã sớm chỉ đạo triển khai kế hoạch chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến cờ bạc, cá độ bóng đá trong dịp World Cup 2022, chủ công thực hiện công tác này là lực lượng cảnh sát hình sự và lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Theo đó, lực lượng công an sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, không tham gia các hoạt động cờ bạc, nhất là cá độ bóng đá qua mạng; phối hợp ngăn chặn các trang website cờ bạc, cá độ; thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ chủ động phát hiện, đấu tranh triệt xóa các tụ điểm, đường dây cờ bạc, cá độ bóng đá và phối hợp với các ngành tư pháp đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật để răn đe tội phạm.

Tiếp tục duy trì xử lý xe quá khổ, quá tải

Trung tướng Tô Ân Xô thông tin thêm, qua 3 tháng triển khai đợt cao điểm tăng cường xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là xử lý tình trạng xe quá khổ quá tải (tháng 6 đến tháng 9-2022) toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 788.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt hơn 1.384 tỷ đồng, tước Giấy lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn hơn 134.000 trường hợp; tạm giữ hơn 189.000 phương tiện các loại.

Trong đó, đã xử lý hơn 47.000 trường hợp phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá trọng tải, quá khổ; hơn 110.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; hơn 112.000 trường hợp vi phạm về tốc độ trên đường bộ... Qua đó đã tạo chuyển biến căn bản tình hình trật tự an toàn giao thông, nhất là tình trạng vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá trọng tải, quá khổ, các vi phạm cơ bản giảm, không còn công khai như trước. Tai nạn giao thông giảm 3 tiêu chí so với thời gian trước liền kề (giảm 12,18% số vụ, giảm 14,53% số người chết, giảm 7,49% số người bị thương).

Chánh Văn phòng Bộ Công an nhấn mạnh, không phải khi kết thúc cao điểm là công tác này trùng xuống. Ngày 24-10, Bộ trưởng Bộ Công an đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả cao điểm và chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt để duy trì và đẩy mạnh việc xử lý vi phạm về quá khổ quá tải tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng này; đồng thời, tăng cường xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như các hành vi sử dụng ma túy, rượu bia điều khiển phương tiện giao thông, chạy quá tốc độ... góp phần bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, nhất là vào dịp cuối năm.

Tin cùng chuyên mục