Gắn phân cấp, phân quyền với cải cách hành chính

Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước là yêu cầu cấp bách hiện nay để các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính cấp dưới thực hiện thay công việc của cấp trên. Từ thực tế phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua càng cho thấy một số vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định pháp luật về phân cấp, phân quyền trong những tình huống thảm họa, thiên tai, dịch bệnh…
Công sở trên địa bàn TPHCM ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết hồ sơ trực tuyến phục vụ dân. Ảnh: VIỆT DŨNG
Công sở trên địa bàn TPHCM ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết hồ sơ trực tuyến phục vụ dân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát huy sáng tạo, tự chịu trách nhiệm

Theo Nghị quyết 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước vừa được Chính phủ ban hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành theo phân công của Chính phủ và những vấn đề thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi đã được phân cấp, phân quyền. Việc này góp phần quan trọng bảo đảm sự điều hành thông suốt của nền hành chính quốc gia và phát huy sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp.

Điều đặc biệt, Nghị quyết 04 gắn phân cấp, phân quyền với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời nghị quyết đã giải quyết được một số vướng mắc, bất cập trước đây trong hệ thống pháp luật về phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước. Nghị quyết cũng chú trọng hoàn thiện các quy định phân quyền quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành và chính quyền địa phương theo ngành, lĩnh vực. Hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực. Hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng, bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương theo ngành, lĩnh vực.

Việc thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực một cách khoa học, hợp lý có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy năng lực, vị trí, vai trò của các cấp chính quyền. Do vậy, sau Nghị quyết 04, rất cần sớm có các nghị định cụ thể hóa phân cấp, phân quyền trong từng lĩnh vực.

Mạnh dạn phân cấp trong giải quyết thủ tục

 Đối với TPHCM, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 04 góp phần tháo gỡ nhiều bất cập hiện nay. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đang chậm lại. Đặc biệt, do đại dịch Covid-19, những điểm nghẽn của TPHCM đã bộc lộ rõ nét hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM trước gấp 1,2-1,3 lần, có năm gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Nhưng năm 2020, TPHCM chỉ tăng trưởng 1,36% trong khi cả nước tăng 2,91%. Năm 2021, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thành phố không còn tăng trưởng mà cả năm âm 6,78%, trong khi cả nước tăng trưởng 2,58%. Vì vậy, những bất cập được tháo gỡ, TPHCM mới có thể tăng tốc phát triển, bù lại thiệt hại do dịch Covid-19 tác động.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 04, TPHCM cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ưu tiên bảo đảm các nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, phấn đấu năm 2022 đạt 100% các thủ tục đủ điều kiện đạt mức độ 4. Thành phố cần rà soát lại tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, điều chỉnh số lượng biên chế cho phù hợp để thực hiện có hiệu quả phân cấp, phân quyền, bảo đảm chuyển giao nhiệm vụ gắn với chuyển giao tổ chức bộ máy và biên chế. Bố trí đủ các nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để các cơ quan, tổ chức sau khi được sắp xếp, kiện toàn có đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

TPHCM cũng cần mạnh dạn phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính đến quận, huyện và TP Thủ Đức. Thành phố tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục thỏa thuận, chấp thuận, xin ý kiến, cho phép của cơ quan nhà nước cấp trên đối với những vấn đề đã được quản lý trên cơ sở quy hoạch và xác định rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn, đã được phân cấp, phân quyền.

Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thành phố nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố, tiếp tục trở thành đầu tàu tăng trưởng, động lực tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Khi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, TPHCM cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, phân quyền. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo đảm thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm giải trình trong khi thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền.

Tin cùng chuyên mục