Gắn kết nghiên cứu với thực tiễn

Ngay từ khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, giới khoa học và các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc. Điều đó thể hiện sự chủ động về công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam; đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các ngành nghiên cứu, sản xuất, nhất là lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe. 

Với bộ kit phát hiện nhanh SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Công ty Công nghệ Việt Á nghiên cứu, sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, công tác phòng chống Covid-19 của Việt Nam được nâng lên tầm cao mới. Cũng theo đơn đặt hàng của Bộ KH-CN, Học viện Kỹ thuật quân sự đã nghiên cứu, chế tạo thành công robot vận chuyển hỗ trợ y tế có các tính năng hiện đại (theo mẫu robot TUG của hãng Aethon, Mỹ), hoạt động tại các khu cách ly Covid-19. Viettel và VNPT cũng đã nhanh chóng xây dựng các ứng dụng Sức khỏe Việt Nam và NCOV để thực hiện công tác theo dõi, khoanh vùng, nâng cao hiệu quả và thông tin minh bạch trong phòng chống dịch ở Việt Nam. Hệ thống khám chữa bệnh từ xa do Viettel phát triển đã triển khai cho các bệnh viện lớn. Sau Vingroup, Bkav cũng tuyên bố tham gia sản xuất máy thở hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 theo tiêu chuẩn quốc tế của hãng Medtronic (Mỹ)…

Trên đây chỉ là một phần các nghiên cứu khoa học, giải pháp công nghệ đã được triển khai từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay. Thực tế đó không chỉ thể hiện trình độ, khả năng của các nhà khoa học, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam mà còn thể hiện sự chủ động vào cuộc của giới KH-CN khi có những định hướng đúng, phù hợp để giải quyết những bài toán thực tiễn của đời sống kinh tế - xã hội. Đó cũng là sự gắn kết “công - tư” trong nghiên cứu và phát triển KH-CN. Khi có những định hướng rõ ràng, những “đặt hàng” cụ thể thì các nhà khoa học, các doanh nghiệp sẵn sàng vào cuộc mạnh mẽ để có những kết quả tốt nhất, nhanh nhất. Việc nghiên cứu, sản xuất bộ kit phát hiện nhanh SARS-CoV-2 là ví dụ điển hình. Kết quả, bộ kit đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận và được phép xuất khẩu, lưu hành ở châu Âu. Đây là thành công đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong lúc dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn thế giới, khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam.

Điều dễ dàng nhận thấy, liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, những “đơn đặt hàng” do Bộ KH-CN, Bộ Y tế, Bộ TT-TT đưa ra với các nhà khoa học, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam rất nhanh và cụ thể. Đó không phải là những đề tài, dự án mang tính “sách vở”, nghiên cứu theo định kỳ, làm cho đủ số lượng và định mức. Tất cả được đặt đúng vai trò, đúng bối cảnh, tìm đúng người, đúng việc. Nhà nước kết hợp với doanh nghiệp để nghiên cứu, phát triển KH-CN và ở giữa là các nhà khoa học. Mô hình này không xa lạ trên thế giới, ở Việt Nam cũng đã có nhưng trong nhiều năm qua chưa thật sự phát huy.

Các doanh nghiệp với lợi thế về vốn, thị trường, tiềm năng công nghệ luôn sẵn sàng tham gia, ngoài trách nhiệm xã hội còn vì chính tương lai phát triển lâu dài của họ. Bởi giá trị đem lại từ các kết quả, sản phẩm KH-CN thành công là rất lớn. Từ dịch Covid-19, các cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét lại việc xây dựng, thực hiện các chương trình nghiên cứu, phát triển của mình để thực sự hiệu quả và đem lại giá trị kinh tế - xã hội cụ thể. Nguồn lực, cả chất xám và kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học Việt Nam chắc chắn còn rất lớn, hãy làm tất cả để những nghiên cứu trở nên thiết thực, sớm đi vào cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục