Gần 6,5 triệu dữ liệu đăng ký hộ tịch và hơn 9 triệu dữ liệu công dân

Bộ Tư pháp cho biết, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã dần được hình thành tại 33/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với gần 6,5 triệu dữ liệu đăng ký hộ tịch và hơn 9 triệu dữ liệu công dân. Đây là cơ sở để thiết lập thông tin cơ bản về nhân thân, mối quan hệ công dân trên toàn hệ thống.
Năm 2018, có 5.357 trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước
Năm 2018, có 5.357 trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước

Sơ kết 3 năm thi hành Luật Hộ tịch và thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024; mở rộng triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch tại 38 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư pháp cho biết, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã dần được hình thành tại 33/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với gần 6,5 triệu dữ liệu đăng ký hộ tịch và hơn 9 triệu dữ liệu công dân. Đây là cơ sở để thiết lập thông tin cơ bản về nhân thân, mối quan hệ công dân trên toàn hệ thống.

Theo số liệu năm 2018, số lượng đăng ký hộ tịch (khai sinh, khai tử, kết hôn) đều tăng so với năm 2017, đặc biệt là số lượng đăng ký khai sinh lại tăng rất lớn. Cả nước đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 2.180.030 trường hợp (tăng 11,6% so với năm 2017), đăng ký khai sinh lại cho 1.413.987 trường hợp (tăng tới 78,7%).

Theo Bộ Tư pháp, số lượng đăng ký khai sinh lại tăng cao do các địa phương đẩy mạnh việc rà soát giấy khai sinh phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Có 5.357 trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài (tăng 8,2%); khai tử cho tổng số 600.664 trường hợp (tăng 8,9%); đăng ký kết hôn cho tổng số 787.764 cặp (tăng 7,6%), trong đó có 20.849 trường hợp có yếu tố nước ngoài (tăng 11,4%).

Trong công tác quốc tịch, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (thay thế Nghị định số 78/2009/NĐ-CP và Nghị định số 97/2014/NĐ-CP).

Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chủ tịch nước giải quyết 5.452 hồ sơ về quốc tịch (gồm 5.278 hồ sơ xin thôi, 164 hồ sơ xin nhập, 10 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam). Đặc biệt, triển khai Đề án thực hiện “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước”, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các địa phương liên quan hướng dẫn việc lập hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, hồ sơ đăng ký khai sinh, kết hôn cho người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong danh sách đã được phê duyệt hiện cư trú tại các tỉnh biên giới với Lào (Chủ tịch nước đã ký Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 139 trường hợp ).

Các bộ, ngành, địa phương cũng tiếp tục thực hiện tốt Tiểu Đề án “Giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho người di cư tự do từ Campuchia về nước”.

Tin cùng chuyên mục