Gần 63% phụ nữ ở nước ta từng chịu bạo lực, 50% không kể với ai

Ngày 14-12 tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc - UNFPA tổ chức hội thảo về các giải pháp thực hiện “Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025”.
Thành lập Mạng lưới Đối tác hành động về Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Theo Bộ LĐTB-XH, Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua, hướng tới mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan cung cấp dịch vụ; tất cả những người bị bạo lực có nhu cầu đều được trợ giúp bằng cách hình thức khác nhau.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp liên ngành hỗ trợ người bị bạo lực qua việc triển khai mô hình “Ngôi nhà Ánh Dương” (trung tâm cung cấp dịch vụ một cửa ở tỉnh Quảng Ninh, được xây dựng lần đầu tiên tại Việt Nam trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ LĐTB-XH và UNFPA và được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA). 

Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp tất cả các dịch vụ thiết yếu tại một địa điểm, từ chăm sóc thể chất, tư vấn tâm lý, bảo đảm an toàn, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ xã hội. Mô hình này khác biệt với ngôi nhà tạm lánh vì người bị bạo lực không cần đi đến nhiều địa điểm để nhận các dịch vụ khác nhau. 

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thị Hà khẳng định: “Người bị bạo lực cần được bảo vệ để sớm quay trở lại cuộc sống thường ngày, còn người gây bạo lực cần được xử lý một cách nghiêm minh. Đó là cách thức để chúng ta ngăn chặn bạo lực, xây dựng mỗi gia đình hạnh phúc, cộng đồng, xã hội an toàn, bình đẳng, tiến bộ, văn minh”.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, việc thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, tiếng nói, hành động cụ thể của mỗi cá nhân trong cộng đồng sẽ giúp những người bị bạo lực không cảm thấy đơn độc, yếu thế hay bị kỳ thị.   

Bà Naomi Kitahara phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Bộ LĐTB-XH và khuyến nghị cần có nhiều sáng kiến đổi mới hơn nữa với sự tham gia của thế hệ trẻ để hướng tới thay đổi các chuẩn mực văn hóa và xã hội về bạo lực đối với phụ nữ. Đồng thời, nên nhân rộng mô hình trung tâm cung cấp dịch vụ một cửa mà UNFPA đang hỗ trợ.

Cũng tại hội thảo này, Mạng lưới Đối tác hành động về Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được ra mắt. 

Kết quả của Nghiên cứu Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 do Bộ LĐTB-XH, Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ của UNFPA cho thấy, mức độ phổ biến của bạo lực không giảm so với nghiên cứu đầu tiên được thực hiện vào năm 2010.

Theo kết quả năm 2019, có 62,9% phụ nữ ở Việt Nam trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần và kinh tế, hoặc chịu hành vi kiểm soát của người chồng trong đời.

Bạo lực là vấn đề còn ẩn khuất trong xã hội Việt Nam khi có 90,4% nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính quyền và một nửa trong số đó chưa từng kể với ai về tình trạng bị bạo lực của mình. Thiệt hại kinh tế do bạo lực đối với phụ nữ gây ra chiếm tới 1,81% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước. 

Tin cùng chuyên mục