Gần 300 chuyến xe khách “mất tích” khi ra Bến xe Miền Đông mới

10 ngày trước, các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định (trừ các tuyến có hành trình chạy qua quốc lộ 13 - đường Hồ Chí Minh) được dời từ Bến xe Miền Đông (BXMĐ) cũ (quận Bình Thạnh) ra BXMĐ mới (TP Thủ Đức). Thế nhưng, hoạt động tại BXMĐ mới hiện nay rất vắng vẻ, có lúc không có người và xe. 
Bến xe miền Đông mới vắng khách
Bến xe miền Đông mới vắng khách

Ghi nhận của PV Báo SGGP trong ngày 21-10, tại quầy bán vé của các nhà xe ở BXMĐ mới chỉ lưa thưa một vài khách mua vé. Nhân viên bán vé một hãng xe tại đây cho hay, hầu hết khách đặt mua vé qua mạng, hoặc điện thoại trước để xe trung chuyển đón trong nội đô nên ít người ra bến mua vé.

Dù vậy, theo quan sát của chúng tôi, phía ngoài bãi đậu xe, lượng khách lên xe cũng không nhiều. Tại đây, liên tục có xe buýt đưa khách xuống bến xe nhưng cũng vắng khách. 

Trước đó, ngày 11-10, BXMĐ mới tiếp nhận 79 tuyến xe khách đang hoạt động tại BXMĐ cũ đi 15 tỉnh thành, gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau.

Đây là đợt tiếp nhận thứ 2 và như vậy đã di dời phần lớn các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ BXMĐ cũ ra BXMĐ mới, trừ một số ít tuyến đi qua quốc lộ 13 - đường Hồ Chí Minh.  

Theo Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco), chủ đầu tư BXMĐ mới, 79 tuyến xe khách có số lượng phương tiện di dời khoảng 1.600 xe. Tuy nhiên, đại diện của BXMĐ mới cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày tại BXMĐ mới chỉ có 206 chuyến xe/ngày đến bến với khoảng 2.600 hành khách. Trong khi, nếu đúng với kế hoạch, với 1.600 xe hoạt động sẽ phải có hơn 500 chuyến xe hoạt động/ngày. Như vậy, đã có gần 300 chuyến xe “mất tích” bí ẩn! Những xe không còn hoạt động trong bến chủ yếu chạy các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định.

Theo một doanh nghiệp vận tải ở tỉnh Bình Thuận, từ khi có quyết định di dời ra BXMĐ mới, lượng hành khách đi xe giảm rất nhiều. Đơn vị phải tăng cường xe trung chuyển, thuê thêm văn phòng trong trung tâm để đón hành khách ra BXMĐ mới. Doanh nghiệp đã khảo sát ý kiến nhiều hành khách, đều cho rằng thời gian di chuyển đến BXMĐ mới tốn rất nhiều và ít tuyến xe buýt đến BXMĐ mới hơn nên ngại đi. Từ đó, nhiều hành khách lựa chọn phương tiện khác hoặc chọn các xe “dù” hoạt động trong trung tâm. 

Có thông tin, một số doanh nghiệp vận tải đã đổi sang hoạt động tại các Bến xe Ngã tư Ga, Bến xe An Sương, Bến xe Miền Tây. Tuy nhiên, theo ông Trần Hiếu, Giám đốc Bến xe An Sương, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 chuyến xe xuất bến, giảm 30% so với trước dịch Covid-19. Hiện nay, chưa có trường hợp các xe khách di chuyển từ BXMĐ mới sang bến An Sương.

Còn ở Bến xe Miền Tây, đại diện đơn vị này cho biết, hiện có một vài doanh nghiệp vận tải hoạt động ở BXMĐ cũ muốn chuyển sang Bến xe Miền Tây nhưng chưa có doanh nghiệp vận tải nào chính thức được hoạt động do đang chờ đổi giấy phép.

Cùng ngày, Sở GTVT TPHCM cho biết, đang yêu cầu BXMĐ mới báo cáo lượng xe hoạt động; tuyến nào giảm xe, giảm khách. Trong khi đó, đại diện Thanh tra Sở GTVT thông báo đang tăng cường kiểm tra một số điểm xe dù vẫn hoạt động tại quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức.

Tin cùng chuyên mục