Gần 2.000 mặt hàng đặc sản tham gia kết nối cung cầu hàng hóa năm 2020

Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa năm 2020 quy tụ 597 nhà cung ứng, giới thiệu trực tiếp đến nhà phân phối và người tiêu dùng TPHCM gần 2.000 mặt hàng đặc sản, trưng bày tại 500 gian hàng.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức tham quan gian hàng sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm tiềm năng của TPHCM giới thiệu tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức tham quan gian hàng sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm tiềm năng của TPHCM giới thiệu tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG

Sáng 24-9, tại Nhà thi đấu Phú Thọ TPHCM đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác thương mại giai đoạn 2016-2020 và Hội nghị kết nối cung cầu hàng hoá giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2020 do UBND TPHCM thực hiện, Sở Công thương TPHCM tổ chức. 

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, đại diện các bộ - ngành, lãnh đạo UBND, lãnh đạo các sở - ngành và hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) đến từ 41 tỉnh, thành trên cả nước. 

Phát biểu đánh giá kết quả Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, qua 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình Hợp tác thương mại tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện, đồng bộ, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế của TP nói riêng và cả nước, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang và dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua. 

Gần 2.000 mặt hàng đặc sản tham gia kết nối cung cầu hàng hóa năm 2020 ảnh 1 Khai mạc hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG

Trong khuôn khổ hợp tác, TPHCM và các tỉnh, thành đã chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm khai thác tối đa tiềm năng, phát huy thế mạnh của từng địa phương để liên kết phát triển, kết nối hai chiều, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, mở rộng hàng hoá sản xuất trong nước và có tiềm năng xuất khẩu, đặc biệt là hoạt động kết nối cung cầu hàng hoá giữa TPHCM và các địa phương.

Thông qua kết nối, lợi thế của mỗi địa phương đã được phát huy tối đa, trong đó TPHCM có thế mạnh về sản xuất, chế biến; các địa phương có thế mạnh về kinh nghiệm nuôi trồng nông sản, tiềm năng về nguồn nguyên liệu, đặc sản địa phương. Chương trình góp phần nâng cao hiệu quả mở rộng mạng lưới phân phối gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động cũng như thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường ngay tại các địa phương.

Gần 2.000 mặt hàng đặc sản tham gia kết nối cung cầu hàng hóa năm 2020 ảnh 2 Ký kết hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành giai đoạn 2021-2025. Ảnh: CAO THĂNG

Tính chung trong giai đoạn 2012-2019, với 8 năm thực hiện chương trình kết nối cung cầu hàng hoá có quy mô ngày càng mở rộng, hàng hóa ngày càng phong phú, số lượng địa phương, DN tham gia và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều.

Lũy kế đến nay có 3.193 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 4.500 tỷ đồng/năm. Kết nối cung cầu hàng hoá đã trở thành sự kiện quan trọng, giải pháp thiết thực để triển khai hiệu quả chương trình hợp tác, khẳng định thương hiệu, tạo được sức lan toả lớn đến các địa phương. 

Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến nay, có 28 DN bình ổn thị trường TP đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. Hoạt động liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm nông sản đạt 3.200 tỷ đồng/năm.
Gần 2.000 mặt hàng đặc sản tham gia kết nối cung cầu hàng hóa năm 2020 ảnh 3 Khách hàng mua đặc sản tại gian hàng của tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: CAO THĂNG

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Bến Tre nhìn nhận, với vị thế là đầu tàu của cả nước, thông qua chương trình hợp tác TPHCM đã tích cực hỗ trợ các tỉnh, trong đó có Bến Tre, góp phần thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy lưu thông hàng hoá tạo sự liên kết phát triển kinh tế trong toàn vùng.  

Dịp này, lãnh đạo Sở Công thương TPHCM và các tỉnh, thành đã ký kết Chương trình Hợp tác thương mại giữa TPHCM và 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ giai đoạn 2020-2025 với các nội dung và giải pháp trọng tâm như đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương, thông tin thị trường, tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, các mặt hàng, thế mạnh của các địa phương.

Gần 2.000 mặt hàng đặc sản tham gia kết nối cung cầu hàng hóa năm 2020 ảnh 4 Khách hàng xem các sản phẩm được sản xuất tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Trên cơ sở phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đẩy mạnh hợp tác toàn diện trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, tìm kiếm nguồn hàng ổn định, đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường TPHCM. Nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình Hợp tác thương mại thông qua triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường và chương tình kết nối cung cầu hàng hóa tại mỗi địa phương, tạo điều kiện cho DN TPHCM và các tỉnh, thành gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Gần 2.000 mặt hàng đặc sản tham gia kết nối cung cầu hàng hóa năm 2020 ảnh 5 Nhà phân phối và nhà cung cấp trao đổi tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG

Bên cạnh đó, chương trình hướng tới mở rộng tiêu thụ hàng hóa, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, gia dụng, tạo điều kiện cho DN TPHCM và các tỉnh, thành phát triển bền vững. 

Tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hoá năm 2020 đã quy tụ 597 nhà cung ứng, giới thiệu trực tiếp đến nhà phân phối và người tiêu dùng TPHCM gần 2.000 mặt hàng đặc sản, trưng bày tại 500 gian hàng. Bên cạnh hàng nông sản an toàn từ các tỉnh, thành lân cận, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm chế biến, sản phẩm chủ lực của TPHCM, hội nghị năm nay còn giới thiệu nhiều đặc sản mới của vùng miền trên cả nước như các loại khô thuỷ hải sản của các tỉnh, thành Tây Nam Bộ, hàng thủ công mỹ nghệ đến từ các làng nghề miền Trung…

Một trong những điểm mới của hội nghị năm nay là ban tổ chức đã bổ sung thêm 2 khu vực với 14 văn phòng giao dịch cho 14 đơn vị, gồm 10 hệ thống phân phối lớn nhất TPHCM, 1 đơn vị phân phối của An Giang, 1 đơn vị logistic và 2 đơn vị xuất nhập khẩu. Các DN cung ứng sẽ tiếp cận, đàm phán chi tiết, giao dịch trực tiếp tại đây.

Sau hơn 3 giờ làm việc, đã có gần 600 hợp đồng, biên bản ghi nhớ giữa các nhà cung ứng và phân phối được ký kết. Đây cũng là hội nghị có số lượng hợp đồng ký kết lớn nhất kể từ trước đến nay, là cơ sở để xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng đến hoạt động phân phối nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giảm chi phí trung gian.

Tin cùng chuyên mục