Gần 1000 khách đến Việt Nam theo chương trình mở cửa thí điểm đón khách du lịch quốc tế

Ngày 30-11, tại diễn đàn "Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam" do Hiệp hội du lịch Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, đã có 978 khách quốc tế đến Việt Nam theo chương trình thí điểm đón khách vừa khởi động lại nửa cuối tháng 11 này.

Đón khách quốc tế mở ra nhiều tín hiệu tích cực cho ngành du lịch. Ảnh: VIẾT CHUNG
Cụ thể, đã có 3/5 địa phương thực hiện đón khách quốc tế trở lại trong tháng 11. Quảng Nam đã đón 3 chuyến bay với 159  khách từ ngày 17 đến 18-11; Phú Quốc (Kiên Giang) đón 202 khách Hàn Quốc ngày 20-11; Khánh Hòa đã đón 617 khách. Dự kiến, đến hết năm 2021, Khánh Hòa sẽ đón khoảng 9.400 lượt khách quốc tế; Đà Nẵng đón 11.500 lượt...
Cũng theo lãnh đạo TCDL, tháng 11-2021 một số địa phương có số lượng khách du lịch nội địa tăng hơn so với tháng trước như Khánh Hòa: 522.000 lượt, Hà Nội: 300.000 lượt, Lạng Sơn: 300.000 lượt, Quảng Ninh 170.000 lượt, Lào Cai 55.450 lượt...

Tuy nhiên, việc thí điểm đón khách quốc tế còn gặp không ít khó khăn như: Chính sách xét duyệt nhân sự nước ngoài đối với các doanh nghiệp đón khách quốc tế gây khó khăn để thu hút du khách quốc tế từ các thị trường trọng điểm trước đây đã quen được miễn thị thực sẽ ngần ngại về thủ tục khi quyết định lựa chọn điểm đến. Việc đón khách du lịch quốc tế thông qua đường bộ và đường biển chưa có hướng dẫn, theo đánh giá của một số địa phương và doanh nghiệp khai thác khách du lịch tàu biển. Một lực lượng lớn lao động trong ngành du lịch đã dịch chuyển sang ngành khác do đó dẫn tới việc thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành du lịch đặc biệt là lực lượng lao động có tay nghề cao.  Thêm nữa, hiện, cả thế giới đang phải đối mặt với biến thể mới (omicron), đó cũng là một trong những thách thức không nhỏ đối với việc thí điểm mở cửa lại thị thị trường khách quốc tế.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, để nắm bắt các cơ hội cho phục hồi ngành du lịch nhằm đạt được kết quả như chúng ta kỳ vọng, ngoài sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác cũng cần tích cực nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp chung để cùng chung tay giải quyết, vượt qua khó khăn của đại dịch, đồng thời để khôi phục hoạt động du lịch cần phải theo phương châm “Du lịch an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn” với các giải pháp và lộ trình cụ thể.

Gần 1000 khách đến Việt Nam theo chương trình mở cửa thí điểm đón khách du lịch quốc tế ảnh 2 Du khách quốc tế đã quay trở lại Việt Nam trong chương trình thí điểm. Ảnh MAI AN
Đối với thị trường nội địa: trước hết mở cửa cho các hoạt động phục vụ khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho các hoạt động du lịch, đồng thời có những biện pháp xử lý sự cố y tế phát sinh. Tiến tới trao đổi khách giữa các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 và mở rộng hoạt động du lịch nội địa.

Đối với thị trường quốc tế: TCDL phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để chuẩn bị triển khai kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế; từng bước mở rộng ra nhiều địa phương, điểm đến đảm bảo các phương án phòng chống dịch, đón khách du lịch đảm bảo các tiêu chí về an toàn.

Tăng cường chuyển đổi số trong ngành du lịch, đặc biệt là các lĩnh vực như: kinh doanh dịch vụ lữ hành, quản lý và kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch; xúc tiến điểm đến thông qua nền tảng công nghệ 4.0, tăng cường sử dụng và ứng dụng các dịch vụ không tiếp xúc trong kinh doanh du lịch.

Đối với các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh sản phẩm, xây dựng sản phẩm mới và làm mới các sản phẩm cũ để đáp ứng các nhu cầu thay đổi của du khách trong bối cảnh sống chung an toàn với Covid-19. Phát huy vai trò của các liên minh, liên kết giữa các điểm đến, doanh nghiệp, hàng không, khách sạn... nhằm xây dựng các chương trình, gói sản phẩm du lịch an toàn-hấp dẫn; mô hình du lịch an toàn tại các địa điểm tương đối biệt lập, sử dụng dịch vụ khép kín, không gây rủi ro về dịch bệnh cho cộng đồng. Đối với các địa phương, điểm đến có chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch duy trì hoạt động, khôi phục hoạt động kinh doanh, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đào tạo bồi dưỡng nhân lực du lịch... như miễn giảm phí, lệ phí tham quan các điểm du lịch... 

Tin cùng chuyên mục