Gameshow Việt: Thay đổi để tồn tại

Hiện vẫn phủ sóng hầu hết các khung giờ vàng nhưng các chương trình truyền hình thực tế và gameshow Việt đang chật vật tìm lối đi mới. Với các đơn vị sản xuất, hoặc phải nỗ lực tăng chất lượng các chương trình cũ, hoặc đau đầu tìm kiếm các phiên bản mới nhằm thu hút khán giả. 

Vẫn có thể ăn khách

Tập cuối chương trình truyền hình thực tế Chạy đi chờ chi (Việt hóa từ phiên bản Hàn Quốc Running Man) kết thúc cách đây hơn 1 tuần. Trên kênh YouTube của chương trình, riêng tập phát sóng này hiện thu hút hơn 9 triệu lượt xem với hơn 44.000 bình luận.

Tính tổng thể, hiện toàn kênh có hơn 1,4 triệu lượt theo dõi với hơn 272 triệu lượt xem. Một cơn sốt cũng không kém đó là trường hợp của Người ấy là ai mùa 2 với tập cuối cùng lên sóng tối 2-8 trên Vie Channel - HTV2. Ngoài việc thu hút hàng chục triệu lượt xem mỗi tập, chương trình ghi điểm bởi sự hài hước, dí dỏm và không sa đà vào phản cảm.  

Ở mảng các chương trình về thi thố, Sasuke - Không giới hạn 2019 và Cuộc đua kỳ thú 2019 cũng đang tạo sức hút bởi thương hiệu đã được khẳng định qua nhiều mùa phát sóng.

Sasuke - Không giới hạn có lẽ là chương trình có sân khấu khủng nhất với diện tích 20.000m2, sử dụng tới 220 tấn thép để dựng lên các thử thách và có số tiền giải thưởng lớn (800 triệu đồng) cho người chiến thắng.

Trong khi đó, Cuộc đua kỳ thú sau nhiều năm vắng bóng đã trở lại với những gương mặt đình đám: bộ 3 hoa hậu H’Hen Nie, Kỳ Duyên, Mỹ Linh cùng các nghệ sĩ S.T, Bình An, Quốc Thiên, Á hậu Lệ Hằng, Quốc Anh, Mlee… 

Gameshow Việt: Thay đổi để tồn tại ảnh 1 Sàn chiến giọng hát có nhiều yếu tố mới mẻ giữa làn sóng các chương trình về thi thố ca hát

Hiện nay, ngoài các chương trình đã định hình được thương hiệu, nhiều đơn vị sản xuất cũng rất nỗ lực thay đổi, làm mới, thực hiện các phiên bản mới.

Sau thời gian dài tạm ngưng, Top Chef - Đầu bếp thượng đỉnh đã trở lại với nhiều thay đổi đột phá. Kiddie Shark - Sếp nhí khởi nghiệp tạo nên làn gió mới đầy thú vị giữa các chương trình dành cho trẻ em.  

Khác biệt và thách thức

Thực tế cho thấy, ngay cả với các chương trình truyền hình thực tế đình đám và đã rất thành công tại Việt Nam, để giữ được sức nóng vốn không đơn giản.

Mùa mới nhất của Giọng hát Việt vừa kết thúc cũng là lúc nảy ra tranh cãi trái chiều về việc quán quân mới có xứng đáng hay không. Gương mặt thân quen một thời làm mưa làm gió trên truyền hình nhưng sức hút cũng đã giảm đi rõ rệt khi không còn níu chân khán giả.

Nhiều chương trình dài hơi: Thần tượng âm nhạc, Tìm kiếm tài năng Vietnam’s Got Talent, Master Chef - Vua đầu bếp…, sau nhiều mùa giải cũng đang phải tạm ngưng. Ngay cả với Cuộc đua kỳ thú, sau 3 năm tạm ngưng mới có thể trở lại.  

Nói về những khó khăn trong quá trình sản xuất, bà Lê Hạnh, Giám đốc điều hành TV HUB, đơn vị sản xuất Top Chef - Đầu bếp thượng đỉnh, chia sẻ: “Để thực hiện một cuộc thi, đặc biệt là cuộc thi ẩm thực dành cho các đầu bếp chuyên nghiệp, lại được phát sóng trên sóng truyền hình, có thể nói khối lượng công việc và cách thức của nhà sản xuất phải cao gấp 3 lần. Vì vậy, sau mùa đầu tiên, dù rất mong muốn, chúng tôi vẫn chưa đủ điều kiện để thực hiện chương trình tiếp theo”.

Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Nam của Kiddie Shark - Sếp nhí khởi nghiệp lại nêu ra một khó khăn rất thực tế: “Chúng tôi phải suy nghĩ làm sao vừa để có lượng người theo dõi cao, vừa có thể tạo ra một góc nhìn mới về chương trình giải trí kết hợp với kinh doanh”. 

Nhiều chương trình hiện nay cũng gặp khó khăn khi phải thay đổi các gương mặt đã gắn bó và làm nên thương hiệu như trường hợp Trấn Thành không còn đảm nhận MC Người bí ẩn, Hoài Linh rời chương trình Ơn giời cậu đây rồi, MC Cát Tường không “sánh đôi” Quyền Linh trong vai trò MC Bạn muốn hẹn hò…  

Nếu các chương trình từng tạo được thương hiệu muốn giữ được sức nóng, bài toán chất lượng chính là yếu tố hàng đầu. “Chúng tôi quan niệm là mình làm sao cho chương trình tốt nhất thì khán giả sẽ ủng hộ”, đạo diễn Nguyễn Nam nhấn mạnh. Trước đó, ê kíp thực hiện Sasuke - Không giới hạn, cho biết, một chương trình truyền cảm hứng cho khán giả cũng là yếu tố tiên quyết để có sức sống lâu bền. 

Sự cạnh tranh khốc liệt của truyền hình thực tế và gameshow cũng chứng kiến sự đào thải như một quy luật tất yếu. Khi các chương trình không thu về lợi nhuận, không đủ sức hấp dẫn khán giả, buộc lòng các đơn vị sản xuất phải mua, sáng tạo các định dạng mới.

Đại diện một đơn vị sản xuất cho biết: “Trong bối cảnh truyền hình thực tế bão hòa như hiện nay, việc duy trì sức nóng cho các định dạng chương trình cũ vốn không hề dễ dàng. Do đó, khi các chương trình không còn sức hút, buộc lòng các đơn vị sản xuất phải đi săn lùng các phiên bản mới. Cuộc chiến này thực sự cam go và không hề đơn giản, bởi ai cũng muốn có cho mình phiên bản hay, thu hút khán giả”.

Tin cùng chuyên mục