Game show ngày càng lẩn quẩn

Hiện nay, nhìn vào tên gọi của các game show đang được phát sóng dễ dàng nhận thấy sự trùng lặp, nghèo nàn về ý tưởng lẫn chất liệu sáng tạo. 
Các nhà sản xuất đang triệt để khai thác các game show cho thiếu nhi
Các nhà sản xuất đang triệt để khai thác các game show cho thiếu nhi
Ăn xổi ở thì
Có thể nói, nhìn toàn cảnh game show truyền hình Việt thời gian gần đây, dễ dàng nhận thấy tính “ăn xổi ở thì” của các nhà sản xuất lẫn nhà đài.
Mặc dù được cho là bão hòa nhưng những chương trình về ca hát vẫn chiếm lĩnh sóng truyền hình. Gần một nửa trong các game show truyền hình hiện nay là các cuộc thi hát. Sự phình to đột biến về số lượng cuộc thi hát xuất phát từ hai phía, nhà sản xuất lẫn khán giả. Bởi thi hát dễ tổ chức, dễ tuyển thí sinh, format đơn giản (chỉ hát và hát), thời lượng phát sóng không nhiều nhưng lợi nhuận thu về khổng lồ. Chưa kể, khán giả Việt dường như cũng thích nghe hát hơn là xem những trò giải trí khác.
Đó là lý do những cuộc thi hát kỳ cựu như Sao mai, Sao mai điểm hẹn, Vietnam Idol… vẫn còn bám trụ tồn tại đến hôm nay, trong khi các chương trình mới lại không ngừng ra đời dưới nhiều hình thức. Các nhà sản xuất tên tuổi, có tiềm lực đua nhau liên tục nhập format nước ngoài về. Những nhà sản xuất mới, ít tên tuổi hơn thì tung ra những định dạng khoác áo thuần Việt nhưng thực tế đều na ná nhau.
Ở thời điểm hiện tại, các game show ca hát hoặc có yếu tố ca hát vẫn tung hoành trên sóng truyền hình, có thể kể đến Giọng hát Việt nhí, Giọng ải giọng ai, Cặp đôi hoàn hảo, Hát câu chuyện tình, Sàn đấu ca từ, Sao nối ngôi phiên bản thiếu nhi, Ai sẽ thành sao nhí, Tuyệt đỉnh song ca, Tình Bolero phiên bản nghệ sĩ hay Đường đến danh ca vọng cổ - một cuộc thi hát cải lương. Trong vòng một tuần mà có 10 game show liên quan ca hát lên sóng thì khán giả không bội thực mới là lạ.
Không chỉ format na ná nhau, mà đến giám khảo, thậm chí thí sinh cũng lặp lại nốt. Có những gương mặt thí sinh nhẵn mặt ở hầu hết các cuộc thi ca hát. Quá nhiều cuộc thi ca hát nên càng về sau, chất lượng thí sinh ngày càng giảm vì bị “vét máng” cạn kiệt. Ngay cả Giọng hát Việt hay Vietnam Idol là những sân chơi âm nhạc được xem là quy mô và lâu đời nhưng thời gian gần đây chất lượng ca sĩ bước ra chỉ có một số họa hoằn lắm mới ở mức chấp nhận được, còn lại hầu hết đều rơi vào trường hợp làm nghề chộp giật, “ăn xổi ở thì”. Không ít chương trình đóng mác “đao to búa lớn” như Học viện ngôi sao, Ngôi sao Việt nhưng thí sinh đầu ra, kể cả quán quân, á quân giọng hát đều trung bình hoặc không có tài năng, thậm chí là thảm họa. 
Khi các cuộc thi hát nhạc trẻ bắt đầu hạ nhiệt thì với sự lên ngôi trở lại của bolero, nhà nhà người người đua nhau làm game show. Có thể nói, bolero đang bị lạm dụng quá đà trên sóng truyền hình, gần như những chương trình có thể đưa bolero vào được, các nhà sản xuất đều tìm mọi cách nhét vào, từ nhạc đến kịch… Chỉ trong khoảng 3 năm, truyền hình thực tế Việt sản sinh rất nhiều cuộc thi riêng biệt về bolero: Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Kịch cùng Bolero, Tuyệt đỉnh song ca, Thần tượng Bolero, Người hát tình ca… Chưa kể, nhiều game show khác cũng sử dụng phần lớn các ca khúc nổi tiếng của bolero như Ban nhạc quyền năng, Thần tượng tương lai, Hát mãi ước mơ, Hãy nghe tôi hát, Ai sẽ thành sao nhí…
Ô tạp và trào lưu
Có cảm giác, tư duy “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” mới là “đặc sản” của giới sản xuất chương trình ở Việt Nam. Không chỉ ca hát hay bolero, gần như cái gì đang ăn khách là đổ xô vào làm. Game show hài là một minh chứng. Đời sống nhiều áp lực khiến khán giả tìm đến tiếng cười để xả stress. Đó là một trong những nguyên nhân khiến game show hài nở rộ trên truyền hình trong khoảng 3 năm trở lại đây. Cứ ngỡ đó sẽ tín hiệu mừng cho khán giả khi họ có thêm những “món ăn” tinh thần mới giúp cải thiện đời sống tinh thần vốn có quá nhiều nỗi lo toan và căng thẳng. Tuy nhiên, ngoại trừ một số rất ít chương trình có sự đầu tư, chọn lọc và sáng tạo thì đa phần các game show hài hiện nay đều na ná nhau. Cười xuyên Việt, Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm, Siêu hài nhí, Học viện danh hài, Làng hài mở hội, Tiếu lâm tứ trụ… đều có format tương đối giống nhau. Càng ngày các game show hài càng khiến khán giả phát hoảng vì làm “biến dạng” tiếng cười. Nói cách khác là làm cho tiếng cười trở nên nhạt nhẽo, rẻ rúng và dung tục.
Một báo cáo về truyền hình thực tế 6 tháng đầu năm của YouNet Media cho thấy , so với năm 2016, các game show hài năm nay đang có bước thụt lùi đáng kể. Ngoài Thách thức danh hài, Cười xuyên Việt, hầu như không có chương trình nào nhận được nhiều thảo luận trên mạng xã hội. Năm 2016 là đỉnh cao của các show thực tế hài. Các yếu tố hài hước lan tràn trên TV show dưới mọi hình thức từ bài biểu diễn đến cách thức pha trò của giám khảo, khách mời. Tuy nhiên vào năm 2017, người xem đã bắt đầu phản ứng với những tiếng cười dễ dãi. Chỉ riêng chương trình Thách thức danh hài đã có hơn 8.000 bình luận tiêu cực và lời kêu gọi tẩy chay hài nhảm. 
Gần đây các chương trình truyền hình thực tế về hẹn hò cũng bắt đầu có xu hướng nở rộ. Theo YouNet Media, những chương trình như Bạn muốn hẹn hò, Mẹ chồng nàng dâu… tiếp cận những khía cạnh mới mẻ là đề tài gia đình, đôi lứa này được người dùng thảo luận rất sôi nổi vì những tình huống ứng xử của người chơi. Hiện mảng đề tài này có khá nhiều như Love house - Ngôi nhà chung, Lucky Me - Yêu là chọn, Vì yêu mà đến, Yêu là cưới… Hiện nay, một số nhà sản xuất cũng manh nha tiến vào mảnh đất mới này.
Một mảng khác cũng được các nhà sản xuất khai thác triệt để là các game show dành cho thiếu nhi. Một báo cáo cho thấy, các chương trình game show dành cho trẻ em luôn nhận được nhiều phản hồi tích cực. Càng khai thác sự hồn nhiên của trẻ con, nhà sản xuất càng câu kéo được nhiều quảng cáo của các nhãn hàng. Nên dễ hiểu khi nhà sản xuất nào cũng cố có được một hay nhiều chương trình dành cho trẻ con. Không nghĩ ra được chương trình mới thì dễ dàng nhất là đẻ ra phiên bản nhí. Giọng hát Việt nhí, Thần tượng Việt Nam nhí, Gương mặt thân quen nhí... là điển hình. 
Thế nhưng ranh giới giữa sự giải trí hướng đến tính nhân văn, vun bồi chân, thiện, mỹ hay khai thác chạy theo thị hiếu tầm thường để trục lợi là điều đáng bàn của các game show Việt nói chung và game show dành cho trẻ em nói riêng.  
Có thể nói, sự ô tạp, trào lưu của các game show đang tràn lan không chỉ góp phần tự giết chết nền giải trí mà còn làm cho nhiều giá trị sống bị đảo lộn, băng hoại.

Tin cùng chuyên mục