G7 chú trọng tái thiết nền kinh tế hậu Covid-19

Ngày 20-2, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì, các nhà lãnh đạo G7 cam kết tăng cường hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19. 

Đẩy nhanh cung cấp vaccine

Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 cho rằng, cống hiến của những người làm công tác thiết yếu ở khắp mọi nơi đã thể hiện những gì tốt đẹp nhất của nhân loại. Trong đó, việc nhanh chóng phát triển vaccine phòng dịch Covid-19 cho thấy sức mạnh trí tuệ của con người. 

Để củng cố Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như nâng cao vai trò dẫn dắt và điều phối của tổ chức này, các nhà lãnh đạo G7 cam kết đẩy nhanh quá trình phát triển và cung cấp vaccine trên toàn cầu; phối hợp nâng cao năng lực sản xuất vaccine, bao gồm cả việc phê chuẩn cấp phép tạp thời; cải thiện việc chia sẻ thông tin, như giải mã gen các biến thể mới; thúc đẩy các hoạt động minh bạch, có trách nhiệm và sự tin tưởng đối với vaccine.

Các nhà lãnh đạo G7 tái khẳng định sẽ ủng hộ đối với tất cả trụ cột của Chương trình Hợp tác Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 (ACT-A), dự án COVAX và quyền tiếp cận công bằng - hợp lý đối với vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán…

G7 chú trọng tái thiết nền kinh tế hậu Covid-19 ảnh 1 Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G7

Cũng theo Tuyên bố chung của hội nghị, với việc cam kết tài chính tăng thêm 4 tỷ USD, tổng hỗ trợ của G7 cho ACT-A và COVAX là 7,5 tỷ USD. G7 sẽ làm việc với các đối tác như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các tổ chức tài chính quốc tế cùng tham gia hỗ trợ ACT-A, tăng cường khả năng tiếp cận của các nước đang phát triển với vaccine phòng dịch Covid-19 đã được WHO phê duyệt thông qua COVAX.

Tập trung phục hồi kinh tế

Theo các nhà lãnh đạo G7, đại dịch Covid-19 cho thấy thế giới cần có những biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn trước những rủi ro đối với sức khỏe con người trong tương lai, bao gồm cả việc đi đến một hiệp ước y tế toàn cầu. G7 sẽ làm việc với WHO, G20 và các tổ chức khác, đặc biệt là thông qua Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Toàn cầu tại Rome (Italy), để củng cố kiến trúc y tế và an ninh y tế toàn cầu nhằm ứng phó hiệu quả trước các đại dịch.

G7 cũng tìm cách xây dựng lại nền kinh tế toàn cầu bị Covid-19 vùi dập, trọng tâm là phục hồi xanh. Tuyên bố chung cho biết, G7 sẽ ủng hộ các nền kinh tế mở và hoạt động trên “một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc hiện đại, tự do hơn và công bằng hơn”. Các nhà lãnh đạo G7 cũng ủng hộ cam kết của Nhật Bản về việc tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 vào mùa hè này.

Đề cập gián tiếp đến Trung Quốc, các nhà lãnh đạo G7 thống nhất “sẽ tham khảo ý kiến của nhau về các cách tiếp cận tập thể để giải quyết các chính sách và thực tiễn phi thị trường”. Theo Reuters, G7 nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cố gắng đưa ra thông điệp tái gắn kết với thế giới và với các thể chế toàn cầu sau 4 năm nước Mỹ thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden cho biết, sự tham gia của Tổng thống Biden trong hai cuộc họp G7 báo trước “một lời kêu gọi rộng rãi, tự tin, rõ ràng để có liên minh và quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương cùng tiến lên”. G7 còn nhấn mạnh nhiệm vụ trung tâm là cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), phấn đấu thực hiện tốt giải pháp dựa trên sự đồng thuận về thuế quốc tế vào giữa năm 2021 trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

G7 gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Italy và Canada, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 40.000 tỷ USD, xấp xỉ một nửa GDP toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục