G20 xúc tiến áp thuế công nghệ

Cuộc họp các bộ trưởng tài chính và ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở Riyadh, thủ đô Saudi Arabia, đưa ra tuyên bố kêu gọi các nền kinh tế hàng đầu cần thống nhất việc áp thuế lên các gã khổng lồ trong ngành công nghệ như Google, Amazon và Facebook.
Các ông lớn công nghệ nằm trong diện bị đề xuất áp thuế
Các ông lớn công nghệ nằm trong diện bị đề xuất áp thuế

Tăng thêm 100 tỷ USD mỗi năm

Giới quan chức G20 tham gia cuộc họp cho rằng, động thái trên nhằm đối phó với hành động “tối ưu hóa thuế” của Google, Amazon và Facebook. Theo quy tắc toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang xây dựng, các công ty công nghệ nộp thuế nơi họ kinh doanh thay vì nơi họ đăng ký các công ty con. OECD cho rằng các quy định này có thể làm tổng nguồn thu thuế các quốc gia tăng thêm 100 tỷ USD mỗi năm. OECD muốn đưa ra một tỷ lệ thuế tối thiểu mà các công ty công nghệ phải nộp và tìm kiếm một thỏa thuận về vấn đề này vào đầu tháng 7 tới, tiến tới đạt được sự thông qua của G20 vào cuối năm nay.

Lời kêu gọi trên chủ yếu nhằm vào Mỹ, quê nhà của những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, nhằm tránh việc thông qua các quy tắc trên bị lùi lại sau cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11-2020. Phát biểu bên lề cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nhấn mạnh không có thời gian để chờ đợi cho đến cuộc bầu cử Mỹ.

Facebook, Google, Amazon và một số công ty công nghệ lớn khác đối mặt với những chỉ trích về việc nộp thuế thấp so với lợi nhuận khổng lồ thu được khi khai báo mở hóa đơn thuế ở các quốc gia có mức thuế thấp như chuyển kênh bán hàng qua các quốc gia được mệnh danh là thiên đường thuế như Ireland và Luxembourg, hành vi kinh doanh được coi là không công bằng. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, áp thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ tạo ra cuộc chơi bình đẳng giữa các đại gia internet xuyên biên giới với các doanh nghiệp thế giới, tuy nhiên sẽ tạo thêm nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ với một số nước, đặc biệt là khu vực châu Âu.

Không công bằng?

Từ tháng 7 năm ngoái, Pháp là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Âu thông qua một đạo luật áp thuế kỹ thuật số, nhắm vào khoảng 30 công ty công nghệ lớn, trong đó có Facebook, Amazon, Apple và Google của Alphabet. Theo luật của Pháp, các công ty công nghệ có doanh thu tại Pháp từ 25 triệu EUR (28 triệu USD) và doanh thu toàn cầu từ 750 triệu EUR trở lên phải trả mức tối đa 3% doanh thu có được nhờ hoạt động tại thị trường này. 

Mỹ đã đe dọa đáp trả bằng cách áp thuế nhằm vào các mặt hàng chủ lực của Pháp. Tại phiên điều trần tháng 8-2019, các đại gia công nghệ đã nêu chi tiết về cách tính thuế của Pháp và kết luận rằng không chỉ phân biệt đối xử mà hình thức này còn gây hại cho việc cải cách thuế toàn cầu. Bên cạnh đó, động thái đơn phương của Pháp tạo ra nguy cơ cũng như có thể tạo ra những rào cản đối với thương mại, đồng thời cản trở tăng trưởng kinh tế. Thuế quan sẽ tạo thêm chi phí tuân thủ và chi phí kiểm toán, buộc các công ty phải chuyển khoản chi phí phát sinh thêm này sang người tiêu dùng. Giới chức Washington nhấn mạnh rằng dự luật thuế dịch vụ kỹ thuật số là không công bằng, khi nhằm vào doanh thu chứ không phải lợi nhuận của các công ty tại nước sở tại.

Italy trở thành quốc gia thứ 2 tại châu Âu sau Pháp áp thuế công nghệ lên các tập đoàn lớn, với luật thuế mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Tuy nhiên, đầu năm nay, Pháp đã tạm hoãn việc áp thuế mới với các công ty công nghệ sau khi Washington đồng ý tạm ngưng các khoản thuế đáp trả nhằm vào hàng hóa Pháp.

Tin cùng chuyên mục