G20 tìm cách kiểm soát lạm phát hiệu quả, an toàn

Ngày 15-7, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khai mạc tại Bali, Indonesia, sẽ kéo dài trong 2 ngày, nhằm tìm cách kiềm chế lạm phát toàn cầu mà không làm cản trở đà phục hồi kinh tế.
Toàn cảnh Hội nghị G20 ở Bali, Indonesia Ảnh: France 24
Toàn cảnh Hội nghị G20 ở Bali, Indonesia Ảnh: France 24

Vượt 3 mối đe dọa

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát tăng và nguy cơ suy thoái. Các quốc gia có thu nhập thấp đứng trước rủi ro vỡ nợ và bất ổn xã hội gia tăng. Việc thành lập một quỹ để đối phó các đại dịch trong tương lai và Quỹ tín thác tăng trưởng và giảm nghèo giúp các nước kém phát triển tiếp cận với nguồn vốn cũng như khả năng được xóa nợ nằm trong chương trình nghị sự. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cảnh báo, nếu Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 không đạt đồng thuận có thể là thảm họa đối với các nước thu nhập thấp, trong bối cảnh giá lương thực cùng giá năng lượng tăng vọt và trở nên trầm trọng hơn.

Bà Sri Mulyani khẳng định, Indonesia sẽ là một nhà môi giới trung thực và tìm ra các giải pháp sáng tạo để vượt qua “3 mối đe dọa” là giá hàng hóa tăng cao, lạm phát toàn cầu và chiến tranh. Các vấn đề khác trong chương trình nghị sự gồm ảnh hưởng của việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như việc giảm nợ cho các quốc gia nghèo bao gồm Sri Lanka, nơi đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi G20 hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực trong ngắn hạn, các quốc gia nên nhắm vào các biện pháp hỗ trợ tài chính để giúp những người khó khăn nhất, thay vì áp dụng các khoản trợ cấp bao trùm và tốn kém

Trước cuộc họp tại Bali, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố một báo cáo có tên Lưu ý giám sát G20, trong đó cảnh báo “triển vọng kinh tế toàn cầu đã tối đi đáng kể, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao”. Tháng 4 vừa qua, IMF đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,6% cho năm 2022 và 2023, phản ánh tác động tiêu cực từ vấn đề Ukraine và kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát Covid-19 mới.

Nỗ lực giảm căng thẳng

Hội nghị tại Bali còn thảo luận về các sáng kiến cho nền kinh tế toàn cầu mới, bao gồm thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, tài chính bền vững, thanh toán trong kỷ nguyên số hóa. Trong tiến trình phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, G20 cũng ưu tiên thúc đẩy các vấn đề kinh tế xanh, ngay cả khi rất nhiều nền kinh tế đang đối mặt với thực tế phụ thuộc vào dầu thô. Ngân hàng kỹ thuật số và phổ cập tài chính nằm trong số 6 ưu tiên của G20.

Những sáng kiến này nhận được sự chú ý đặc biệt ở các nền kinh tế châu Á khi họ đạt nhiều tiến triển quan trọng trong các vấn đề như tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương và hệ thống thanh toán điện tử. 

Indonesia, với tư cách Chủ tịch G20, đang nỗ lực đảm bảo rằng những mâu thuẫn về cuộc xung đột ở Ukraine không làm chệch hướng tìm kiếm giải pháp phối hợp hành động quốc tế để tránh nguy cơ suy thoái kinh tế. Tại hội nghị Bali lần này, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov sẽ phát biểu trực tuyến, trong khi phái đoàn Nga do một thứ trưởng dẫn đầu tham dự trực tiếp tại hội nghị.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Ukraine - quốc gia không phải thành viên G20 - cũng được mời và dự kiến tham dự trực tuyến một phiên họp. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Perry Warjiyo cho biết, các bên đang cố gắng để có thể đạt được một thông cáo chung đưa ra sau hai ngày họp hoặc ít nhất là một tuyên bố chủ tịch.

Tin cùng chuyên mục