FTA thế hệ mới - Tiềm ẩn tranh chấp thương mại khi tham gia

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia hàng loạt FTA (Hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới song phương và đa phương. Điều này mở ra nhiều cơ hội cũng như các thách thức kèm theo, nhất là khả năng tiềm ẩn các vụ tranh chấp thương mại.
Bạn đọc nhờ luật sư tư vấn tại Báo SGGP
Bạn đọc nhờ luật sư tư vấn tại Báo SGGP
Do vậy, các doanh nghiệp (DN) phải chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó bao gồm sự am hiểu về kiến thức pháp luật, để chuẩn bị gia nhập sân chơi chung mang tính toàn cầu.

Nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, sự khác biệt cơ bản giữa FTA thế hệ mới so với truyền thống chính là phạm vi cam kết rộng, không chỉ gồm các nội dung cam kết (thuế, phi thuế quan, dịch vụ…) mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới (đầu tư, lao động, môi trường, mua sắm công…). Chẳng hạn, FTA Việt Nam - EU dự kiến ký kết, có hiệu lực năm 2018; sáng kiến Hiệp định TPP11 (không gồm Mỹ)…
Các cơ hội được chỉ ra, điển hình như hàng hóa Việt Nam được xóa thuế nhập khẩu, DN nước ta có cơ hội trở thành thành viên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng xuất khẩu vào các nước thành viên… Thêm nữa, FTA thế hệ mới giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế, cải thiện cơ chế điều hành kinh doanh, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Thế nhưng cơ hội luôn đi kèm với thách thức, mà trước tiên là việc Việt Nam sẽ dần gỡ bỏ hàng rào thuế quan (hàng hóa ASEAN nhập khẩu vào nước ta có thuế 0%). Kế đến là sức ép cạnh tranh của các DN nội; năng suất, chất lượng nguồn nhân lực lao động còn nhiều hạn chế; tranh chấp thương mại… Đáng lưu ý, Việt Nam cần phải nhanh chóng xây dựng các cơ chế, chính sách phòng vệ thương mại, giải quyết tranh chấp quốc tế, biện pháp phòng vệ theo thông lệ quốc tế… 
Một trong những biện pháp giải quyết các tranh chấp thương mại, theo Luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký VIAC, đó là hòa giải thương mại (Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại). Bởi nghị định này xác lập hiệu lực của kết quả hòa giải, đảm bảo quyền lợi của các bên khi sử dụng phương pháp hòa giải. Tuy vậy, có một vấn đề mà Nghị định 22 không đề cập, đó là thời gian giải quyết hòa giải có tính vào thời hiệu khởi kiện hay không. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn các bên được quyền khởi kiện để yêu cầu trọng tài hoặc tòa án giải quyết vụ tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Đối với Luật Trọng tài thương mại quy định thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 2 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác (Điều 33). Theo đó, khi tham gia hòa giải, các bên tranh chấp cần chú ý vấn đề này nhằm đảm bảo khi hòa giải không thành vẫn còn thời gian để khởi kiện ra trọng tài thương mại hoặc tòa án.
Tại một cuộc họp gần đây, lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) nhìn nhận, các FTA thế hệ mới được xem như “tấm vé thông hành” cho các DN vươn ra “biển lớn”. Tuy nhiên, DN muốn tiến sâu hơn, hội nhập với các nền kinh tế phát triển thì phải chuẩn bị rất nhiều, bài bản và nghiêm túc. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần phải nhanh chóng xây dựng các chính sách phòng vệ thương mại, giải quyết tranh chấp quốc tế… sao cho phù hợp. 

Tin cùng chuyên mục