FPT Software nghiên cứu ứng dụng AI vào chẩn đoán bệnh

Hai dự án nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phát hiện Tràn dịch khí màng phổi (Pneumothorax) và Khối u thận (Kidney and Tumor Dice) của FPT Software đã đứng trong Top các dự án dẫn đầu của hai cuộc thi ứng dụng công nghệ trong y tế uy tín thế giới là Pneumothorax Challenge và KiTS19 Grand-challenge.
Hình ảnh được chẩn đoán bằng công cụ AI do FPT Software phát triển
Hình ảnh được chẩn đoán bằng công cụ AI do FPT Software phát triển

Pneumothorax Challenge là cuộc thi do Hiệp hội Ảnh Y tế Hoa Kỳ (The Society for Imaging Informatics in Medicine- SIIM) và Viện xương khớp Hoa Kỳ (The American College of Rheumatology- ACR) tổ chức.

Cuộc thi thu hút 1.475 nhóm dự thi là các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu AI ứng dụng cho y tế. Tại cuộc thi này, dự án Ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát hiện Tràn dịch khí màng phổi (Pneumothorax) của FPT Software đã giành huy chương Bạc.

Để có được kết quả này, nhóm phát triển dự án đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu về các bài toán y tế; phối hợp với các bác sĩ, bệnh viện lớn trong cả nước, áp dụng các bài toán ứng dụng AI nhằm giúp cải thiện tình hình diễn biến phức tạp của bệnh tật trong hơn một năm. Đồng thời, nhóm cũng thực hiện áp dụng thuật toán trên tập dữ liệu lớn của Hiệp hội Ảnh Y tế Hoa Kỳ và Viện xương khớp Hoa Kỳ trong quá trình tham gia cuộc thi. 

Còn trong cuộc thi KiTS19 Grand-challenge do Đại học Minnesota (Hoa Kỳ) và đại học Melbourne (Australia) tổ chức dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phát hiện Khối u thận (Kidney and Tumor Dice) của FPT Software là dự án nghiên cứu duy nhất của Việt Nam lọt vào chung kết. Cuộc thi này thu hút sự tham gia của 847 đội thi với thành phần chủ yếu là các nhóm giáo sư đang hoạt động tại các phòng nghiên cứu về AI được sự bảo trợ của Chính phủ hoặc doanh nghiệp khắp thế giới về xử lý ảnh 3D.  

Tại cuộc thi này, thuật toán của FPT Software cho kết quả trung bình phát hiện bệnh ở thận và khối u lên tới 73% ( trong đó kết quả về phát hiện bệnh ở thận có độ chuẩn xác lên tới 93,9%, phát hiện ung thư là 56,6%).

Cả hai dự án này được xây dựng trên nền tảng của “Residual Capsule” – một thuật toán của AI, được FPT Software nghiên cứu, phát minh và cải thiện thêm để xử lý thuật toán tốt hơn. Residual Capsule cũng có thể ứng dụng được trong nhiều ngành khác ngoài y tế.
Hiện tại, FPT Software cũng đã gửi đăng ký bằng sáng chế quốc tế cho thuật toán này. Hai kết quả nghiên cứu trên được FPT Software kỳ vọng sẽ sớm đưa vào hệ thống bệnh viện, y tế tại Việt Nam và trên thế giới, hỗ trợ các bác sĩ rút ngắn thời gian hội chẩn, đồng thời hỗ trợ đào tạo bác sĩ tại các đơn vị giảng dạy, nghiên cứu.

“FPT Software đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ hiện đại như IoT, AI, Bigdata… nhằm chuyển dịch thành công ty công nghệ đẳng cấp thế giới, tham gia vào những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị phần mềm. Việc các nghiên cứu của FPT Software được công nhận trên sân chơi quốc tế là động lực lớn để chúng tôi phát triển công nghệ và nhân sự. Hy vọng kết quả nghiên cứu sớm được ứng dụng và mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng”, đại diện FPT Software cho biết.

Tin cùng chuyên mục