F0 tăng, Đà Nẵng mở rộng mạng lưới điều trị Covid-19

Những ngày gần đây, TP Đà Nẵng liên tiếp ghi nhận hơn 1.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, gây áp lực lớn lên công tác điều trị. Trước tình trạng này, ngành y tế Đà Nẵng liên tục có phương án tránh tình trạng quá tải các ca bệnh nặng do tập trung chủ yếu vào một số nơi điều trị.

Mô hình bệnh viện tách đôi

Là bệnh viện hạng 1, Bệnh viện 199 (quận Sơn Trà) dành riêng khu vực gồm 2 khoa để điều trị riêng biệt một số bệnh nhân Covid-19 ở tầng điều trị thứ 2 và thứ 3. Đây là những trường hợp mắc Covid-19 ở thể nhẹ và vừa có bệnh lý nền.

Với mô hình này, bệnh nhân mắc Covid-19 từ 65 tuổi trở lên có bệnh lý nền cũng được điều trị ngay tại bệnh viện hạng 1 với đầy đủ các chuyên khoa sâu. Bên cạnh theo dõi diễn tiến bệnh Covid-19, người bệnh còn được điều trị bệnh nền theo phác đồ phù hợp mà không cần chuyển tuyến lên tầng thứ 3 như trước. 

F0 tăng, Đà Nẵng mở rộng mạng lưới điều trị Covid-19 ảnh 1 Test Covid-19 trước và sau khi ra viện
Theo bác sĩ Lê Thị Xuân, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện 199, những bệnh nhân này được theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện diễn biến nặng. Khi bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2 thì đơn vị có thể chuyển bệnh nhân đến chuyên khoa khác trong bệnh viện và điều trị như những người bệnh thông thường.
Khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện 199

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Gia đình (quận Hải Châu) là cơ sở y tế đầu tiên ngoài công lập tại TP Đà Nẵng cũng thiết lập mô hình thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Với quy mô 100 giường bệnh, bệnh viện tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ vừa và nặng.

F0 tăng, Đà Nẵng mở rộng mạng lưới điều trị Covid-19 ảnh 3 Mở thêm khu hồi sức tích cực với 40 giường tại Bệnh viện dã chiến số 1 (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)

Bác sĩ Nguyễn Văn Vy Hậu, phụ trách khu vực điều trị Covid-19 thuộc Bệnh viện Đa khoa Gia Đình cho hay, để chia lửa cho các bệnh viện tuyến trên, đơn vị thiết lập một số giường bệnh đặc biệt, tương đương tầng điều trị thứ 3. Các bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu được bố trí 24/24 giờ để theo dõi các ca bệnh nặng, hạn chế tỷ lệ chuyển lên tuyến trên, giảm tỷ lệ tử vong. Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh được hỗ trợ về tâm lý và vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.

Phối hợp giữa bác sĩ điều trị Covid-19 và điều trị các bệnh lý nền

“Phối hợp 2 công tác điều trị, tức là bác sĩ điều trị chuyên khoa tim mạch, các bệnh lý như đái tháo đường,... sẽ cùng tham gia với bác sĩ tiếp nhận điều trị Covid-19. Vì vậy, ngay trong thời gian điều trị Covid-19, chúng tôi cũng đã xử trí một số trường hợp bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim...”, bác sĩ Nguyễn Văn Vy Hậu nói.

Cân đối nhân lực y tế

Theo Sở Y tế, hiện có 15 cơ sở y tế tại TP Đà Nẵng thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 với 2.040 bệnh nhân, trong đó hơn 277 trường hợp nặng.

F0 tăng, Đà Nẵng mở rộng mạng lưới điều trị Covid-19 ảnh 5 Khu D thuộc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng - một trong những nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nặng của TP Đà Nẵng đang bị quá tải bệnh nhân

Theo bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, ngoài việc mở thêm khu hồi sức tích cực với 40 giường tại Bệnh viện dã chiến số 1 (quận Liên Chiểu), ngành y tế đang tiến hành mở rộng thêm khoảng 300 giường tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi tiếp nhận các trường hợp nặng trong thời gian tới. Đối với việc điều phối nhân lực y tế, hiện các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện bắt đầu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 giảm tải cho cơ sở phân công trước đây.

F0 tăng, Đà Nẵng mở rộng mạng lưới điều trị Covid-19 ảnh 6 Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ngày 28-2, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở Y tế xem xét hỗ trợ chuyên môn cho tuyến quận huyện

“Chúng tôi liên tục rà soát, kêu gọi và điều chuyển nhân lực tại các cơ sở y tế không quá tải trong hoạt động chuyên môn để tăng cường cho Bệnh viện dã chiến số 1. Bởi hiện số ca mắc Covid-19 trở nặng nguy cơ tăng, vậy nên các hoạt động chuyên môn tại đây bắt buộc phải duy trì, thậm chí mở rộng để đáp ứng nhu cầu”, bác sĩ Trương Văn Trình cho biết.

Các trường hợp F0 được đánh giá là nguy cơ cao hoặc rất cao theo Bộ Y tế bắt buộc phải được chuyển tuyến và điều trị tại bệnh viện, trung tâm y tế
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhân lực y tế đang khó khăn nên phải sử dụng một cách tối ưu hóa. Sở Y tế quán triệt các bệnh viện nếu không tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng phải hỗ trợ nhân lực hồi sức cho bệnh viện dã chiến.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Đà Nẵng cần vận dụng và cân nhắc việc xác nhận F0 thông qua nhân viên y tế hoặc người dân lấy mẫu qua giám sát của nhân viên y tế để tránh tình trạng nhân viên y tế phải làm trực tiếp quá nhiều.

Tin cùng chuyên mục