EVN giải thích lý do tiền điện tăng

Từ đầu tháng 6-2020 đến nay, rất nhiều khách hàng và người dân lên tiếng về hiện tượng hóa đơn tiền điện thu trong tháng 6 cho kỳ hóa đơn tháng 5-2020 tăng cao.
Công nhân điện lực đang thay điện kế điện tử cho khách hàng
Công nhân điện lực đang thay điện kế điện tử cho khách hàng

Tiền tăng do nhiệt tăng?

Ngày 20-6, lý giải về vấn đề này, EVN cho rằng vào mùa khô ở miền Nam và mùa nắng nóng ở miền Bắc, miền Trung, nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát là nguyên nhân chính khiến sản lượng điện tiêu thụ của các gia đình tăng cao khiến hóa đơn tiền điện tăng. EVN dẫn số liệu có tới hơn 3,1 triệu khách hàng trong tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4. Trong số này có gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4.

Báo cáo của Tổng công ty Điện lực TPHCM cho thấy, số khách hàng tại khu vực TPHCM và miền Nam có mức tiêu thụ điện năng trong tháng 5 tăng hơn 30% so với tháng 4 là 255.156 khách hàng (trong đó có tới 25.745 khách hàng có mức tăng thêm từ 300% trở lên). EVN dẫn ví dụ, 1 gia đình có mức tiêu thụ điện trong tháng 4 là 300kWh thì số tiền điện cần thanh toán là 688.160 đồng (chưa tính giảm giá do dịch). Nhưng sang tháng 5, gia đình này tiêu thụ lượng điện tăng 20%, đồng nghĩa sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360kWh và số tiền cần thanh toán là 875.204 đồng, tức tăng 27,18%. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 50% (450kWh) thì số tiền cần thanh toán là 1.160.885 đồng, tăng 68,69%. Điều dễ nhận ra là tiền điện chỉ tăng lên ở các gia đình có sử dụng máy lạnh, máy điều hòa nhiệt độ còn với các hộ chỉ sử dụng quạt làm mát chi phí thay đổi không nhiều.

EVN cho rằng, trong những ngày nhiệt độ mùa hè tăng trên 35°C, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như máy điều hòa và quạt là thường xuyên, liên tục. Việc mở cửa ra vào nhiều, đóng mở tủ lạnh nhiều lần cũng gây thất thoát nhiệt khiến lượng điện tiêu thụ có thể tăng đến 17%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1°C thì lượng điện tiêu thụ của máy điều hòa tăng 2-3%. 

Nghi ngờ cách ghi số điện tự động

Tuy nhiên, nhiều khách hàng ở miền Nam phản ánh, như tại TPHCM, dù đã bước vào mùa mưa, nhu cầu sử dụng hệ thống điều hòa giảm nhưng hóa đơn tiền điện vẫn tăng. Thậm chí có khách hàng cho biết, sau khi chuyển nơi ở sang quận khác, vẫn cùng số thiết bị điện như vậy nhưng hóa đơn tiền điện lại tăng gấp đôi. Do đó, nhiều người nghi ngờ cách ghi chỉ số điện của EVN hiện nay không chính xác sau khi chuyển từ hình thức ghi đọc số điện thủ công sang tự động trên công tơ điện.  

Về vấn đề này, EVN lý giải, các công tơ, điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn của Bộ KH-CN. Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị thay thế định kỳ bằng công tơ mới đã được kiểm định. Hiện tại, các công tơ điện tử của EVN thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động, thực hiện từ xa. Đối với loại công tơ cơ khí áp dụng cách ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số kiểm tra, đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót (nếu có) trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện. Khách hàng có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ...

Tin cùng chuyên mục