EVFTA chính thức có hiệu lực: Sức mạnh mới để phục hồi nền kinh tế

Ngày 1-8, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Hiệp định được kỳ vọng hỗ trợ Việt Nam và EU đẩy mạnh các nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị tàn phá nặng nề do Covid-19.
EVFTA được xem là cơ hội vàng cho nông sản xuất khẩu Việt Nam. Ảnh: TTXVN
EVFTA được xem là cơ hội vàng cho nông sản xuất khẩu Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Cam kết mạnh mẽ

Ngay trước khi hiệp định đi vào thực thi, ngày 27-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, hai nhà lãnh đạo cùng cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai hiệu quả EVFTA, phát huy tối đa các lợi ích mà hiệp định có thể mang lại cho hai bên, đóng góp vào thúc đẩy tự do hóa thương mại, hợp tác, liên kết tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần phục hồi tăng trưởng sau những tác động sâu sắc từ đại dịch Covid-19.

EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho quan hệ thương mại Việt Nam - EU. Brussels hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư, thị trường xuất khẩu thứ hai và là nhà đầu tư đứng thứ năm của Việt Nam. Hiệp định là cơ hội vàng để giúp hai bên đẩy mạnh hợp tác và cùng phát triển. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu của 71% lượng hàng Việt Nam xuất sang EU sẽ được giảm xuống mức 0%. Sau 7 năm, thuế nhập khẩu của 99,7% lượng hàng Việt Nam xuất sang EU sẽ được loại bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được loại bỏ theo các lộ trình cam kết 10 năm.

Dấu ấn tích cực

Dù bối cảnh không thuận lợi, quan chức hai phía Việt Nam và EU cùng chung quan điểm cho rằng, trước những thách thức của thời điểm đặc biệt khó khăn này, EVFTA  là một cú hích quan trọng đối với nền kinh tế của cả hai bên. Trưởng đoàn đàm phán EU, Phó Tổng vụ trưởng thương mại châu Âu Helena Konig, bày tỏ tin tưởng rằng trong thời điểm khó khăn hiện nay, thương mại dựa trên các quy tắc mở có thể đóng góp cho nền kinh tế xã hội nhanh chóng và bền vững, giúp phục hồi và củng cố khả năng cạnh tranh trong môi trường hậu Covid-19. Bà Helena Konig cho rằng, EVFTA phù hợp với chiến lược phát triển và chương trình nghị sự kinh tế của Việt Nam, trang bị cho đất nước các công cụ bổ sung để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm. Với mục đích để các công ty Việt Nam và EU có thể tận dụng được những lợi ích của EVFTA, phía EU đã làm việc rất chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho việc thực thi bằng cách cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật. Bà Konig cho biết thêm, EU đã tích cực hỗ trợ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Điều này cũng có lợi cho các công ty EU muốn thâm nhập thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng của Việt Nam. Trang web của Ủy ban châu Âu cũng giới thiệu rất nhiều tài liệu và thông tin về EVFTA, bao gồm cả các hướng dẫn cụ thể được giải thích đơn giản và rõ ràng để doanh nghiệp cả của EU cũng như Việt Nam có thể chuẩn bị.

Các chuyên gia, doanh nhân của EU đều có những đánh giá tích cực về EVFTA. Ông Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann for Freedom (FNF), cho rằng, Việt Nam có thể tận dụng “sức mạnh mới” từ EVFTA để phục hồi kinh tế. Việt Nam để lại một dấu ấn đáng chú ý về mọi mặt, từ việc xử lý nhanh chóng, ấn tượng dịch bệnh Covid-19 đến việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, cũng như bắt đầu EVFTA lịch sử. EVFTA sẽ mang đến doanh thu cao hơn trong xuất khẩu của Việt Nam sang EU cho một số hàng hóa như điện thoại, linh kiện điện tử - những mặt hàng chiếm hơn 1/3 tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam (12,36 tỷ USD); máy tính, sản phẩm điện tử (5,06 tỷ USD) cũng như dệt may, giày dép…

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhận định, EVFTA sẽ mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội “truy cập” vào thị trường châu Âu rộng lớn với khoảng 500 triệu người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng được tiếp cận sau hơn hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao và sáng tạo của châu Âu.

Tin cùng chuyên mục