EU-Mỹ: Đột phá mới về giải quyết tranh chấp thương mại

Ngày 18-5, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí ngừng gia tăng căng thẳng liên quan đến thuế nhôm, thép của Mỹ. Trong đó, EU tạm thời hoãn tăng thuế trả đũa với nhiều mặt hàng của Mỹ và hai bên sẽ đàm phán để giải quyết tình hình năng lực sản xuất quá mức trên toàn cầu, chủ yếu ở Trung Quốc.
Một nhà máy thép ở Anh
Một nhà máy thép ở Anh

Quyết tâm từ 2 phía

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ tạm hoãn 6 tháng kế hoạch nâng gấp đôi thuế trả đũa đối với nhiều mặt hàng của Mỹ như xe motor Harley-Davidson, rượu whiskey và thuyền máy, vốn dự kiến được áp dụng từ ngày 1-6 tới. EU cũng sẽ không đánh thuế đối với các sản phẩm bổ sung khác của Mỹ, từ son môi đến giày thể thao… Trong một tuyên bố chung, Brussels và Washington cho biết đều là đồng minh với nhau và là các nền kinh tế dựa vào thị trường, hai bên có thể thúc đẩy các tiêu chuẩn cao và giải quyết những quan ngại chung. Các cuộc đàm phán sắp tới sẽ tập trung tìm kiếm giải pháp cho vấn đề năng lực sản xuất quá mức trong ngành nhôm, thép toàn cầu. Một giải pháp cho mâu thuẫn về thuế quan giữa hai bên dự kiến cũng sẽ được đưa ra trong năm nay.

Viện Sắt thép Mỹ hy vọng, các cuộc đàm phán của Mỹ và EU có thể tìm ra những giải pháp đáng kể, đồng thời duy trì các biện pháp thương mại. Nhiều nhà lãnh đạo trong ngành thép của Mỹ cho rằng, chính phủ các nước châu Âu cũng phải cam kết ngừng hỗ trợ các nhà sản xuất thép trong nước bằng trợ cấp và đầu tư nhà nước. Các chuyên gia nhìn nhận, đây là một đột phá trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau 4 năm sóng gió dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Theo các nhà phân tích, hiện có một quyết tâm lớn từ 2 bờ Đại Tây Dương để giải quyết vấn đề dư thừa công suất, liên quan đến thép và nhôm mà theo tuyên bố, phần lớn là do các bên thứ 3 thúc đẩy - chủ yếu là Trung Quốc. Nước này hiện là nhà sản xuất lớn nhất thế giới đối với cả nhôm và thép.

Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và EU bắt nguồn từ việc chính quyền Tổng thống Donald Trump vào tháng 3-2018 quyết định áp thuế bổ sung đối với xuất khẩu thép và nhôm của EU, tương đương khoảng 6,4 tỷ EUR. Đáp lại, EU áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 2,8 tỷ EUR và dự kiến tiếp tục áp thuế bổ sung hàng hóa trị giá 3,6 tỷ EUR trong tháng tới, để bù đắp những thiệt hại mà biện pháp thuế của Mỹ gây ra. Tuy nhiên, với tuyên bố mới, mức tăng theo lộ trình đã tạm thời hoãn lại để tạo cơ hội cho đối thoại.

Hòa giải để vượt khó

Trong bối cảnh Mỹ đang đối mặt với các thách thức gay gắt chưa từng có như hiện nay, còn EU nhọc nhằn tìm cách vượt qua khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh, việc hai bên “hạ nhiệt” căng thẳng thương mại có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, sự kiện ngừng áp thuế lẫn nhau còn mở đường cho Mỹ và EU khôi phục, phát triển nhiều nội dung hợp tác toàn cầu khác về an ninh, chống biến đổi khí hậu... Chủ tịch EC Ursula Von Der Leyen nhận định, việc Mỹ và EU cam kết tập trung giải quyết các bất đồng còn tồn tại đã mang đến tin tốt lành đối với các ngành kinh doanh, công nghiệp hàng không vũ trụ ở hai bờ Đại Tây Dương và là tín hiệu tích cực cho hợp tác kinh tế Mỹ - EU trong thời gian tới.

Quyết định ngừng áp thuế theo kiểu “ăn miếng trả miếng” trên sẽ giảm bớt khó khăn cho các nhà máy vốn đang điêu đứng vì dịch Covid-19. Theo EU và Mỹ, những biến dạng do công suất dư thừa gây ra mối đe dọa nghiêm trọng thị trường thép và nhôm của cả 2 bên, cũng như người lao động trong các ngành này. Ngoài vấn đề thương mại, các cuộc thảo luận cũng nhằm tăng cường liên minh dân chủ giữa các đối tác xuyên Đại Tây Dương. Bước đột phá ngoại giao này cũng báo hiệu một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - EU. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn thiết lập liên minh với các nước có liên kết để đối phó với vô số thách thức do Trung Quốc đặt ra.

Tin cùng chuyên mục