EU xúc tiến lệnh cấm lưu hành hóa chất độc hại

Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy nhanh kế hoạch đưa nhiều chất hóa học có thể gây hại sức khỏe con người vào danh sách cấm lưu hành. Kế hoạch nhận được sự ủng hộ của Cục Môi trường châu Âu (EEB).

Lệnh cấm bao trùm 

Hãng tin Guardian cho biết, nếu được thông qua, đây sẽ là lệnh cấm lưu hành hóa chất gây hại cho sức khỏe con người quy mô lớn nhất trên toàn cầu. Theo Ủy viên châu Âu phụ trách tư pháp Didier Reynders, nằm trong danh sách đề xuất bị cấm có các loại hóa chất khá phổ biến, như: nhóm PVC (polyvinyl clorua), loại nhựa không thể tái chế dễ dàng, được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm như đồ chơi, bao bì thực phẩm, dệt may, giày dép, đồ nội thất; PFAS (chất per và polyfluoroalkyl) trong bao bì thực phẩm, sơn, verni hoặc chất phủ; một số chất phụ gia bị cáo buộc là liên quan đến ung thư hoặc béo phì...

EU xúc tiến lệnh cấm hóa chất độc hại cho sức khỏe người dân
Ngoài ra, lệnh cấm còn có các nhóm chất khác như là chất chống cháy có trong nệm, quần áo, ghế ô tô…; các chất được xếp vào loại gây ung thư, gây đột biến hoặc độc hại cho sinh sản (CMR) xuất hiện trong các sản phẩm dành cho trẻ em, đặc biệt là tã lót; các chất bisphenol được sử dụng trong sản xuất đồ nhựa và hộp đựng thực phẩm. Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh, lệnh cấm này sẽ bao trùm toàn bộ những dòng sản phẩm được sử dụng rộng rãi từ các ngành công nghiệp, chuyên dụng đến các loại hàng hóa tiêu dùng.


Lệnh cấm có thể được mở rộng đến cả các hóa chất ảnh hưởng đến hệ hô hấp và miễn dịch. Tuy nhiên, những chất được coi là cần thiết cho các mục đích sử dụng đặc thù, như trong y tế hoặc công nghệ cắt giảm khí thải, sẽ được miễn trừ trong trường hợp không có lựa chọn thay thế. Dù chưa thể thống kê chính xác có bao nhiêu hóa chất nằm trong quy định, nhưng EU đã xác định được khoảng 200 loại và danh sách có thể được mở rộng thêm.

Vượt quá tầm kiểm soát

Kế hoạch được xúc tiến trong bối cảnh ở cuộc thăm dò chính thức do EU tiến hành cho thấy, 84% người châu Âu lo lắng về tác động sức khỏe của hóa chất trong sản phẩm và 90% e ngại tác động của chúng đối với môi trường. Các tổ chức phi chính phủ đã hoan nghênh việc kiềm chế các chất độc hại, nhưng một số nhà lập pháp và nhiều tập đoàn của EU cho biết, đề xuất này chưa giải quyết được việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm để sản xuất hóa chất. 

Ước tính có khoảng 200.000 loại hóa chất được sử dụng ở châu Âu. Trên toàn cầu, doanh số bán hóa chất vào năm 2020 đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2017, dự kiến sẽ tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2030. Một báo cáo môi trường của Liên hiệp quốc cho thấy, ô nhiễm hóa chất gây ra nhiều ca tử vong hơn dịch Covid-19. Tiếp xúc hàng ngày với một hỗn hợp các chất độc hại có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản, đe dọa đến quá trình phát triển, cũng như góp phần gây nên sự tuyệt chủng của các quần thể côn trùng, chim và động vật có vú. 

Việc thúc đẩy lệnh cấm mới nhằm đưa ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn được đánh giá là bước đi quyết liệt của EU trong vấn đề bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường và an toàn lao động. Từ năm 2007, EU đã thông qua luật quản lý và sử dụng hóa chất REACH. Theo luật, tất cả các nhà sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu các mặt hàng có sử dụng hóa chất đều phải nhận biết và hạn chế những rủi ro từ hóa chất. REACH được ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ 1-6-2007 để thay thế cho 40 luật về hóa chất ở EU. Đây là luật nghiêm ngặt nhất về sử dụng và quản lý hóa chất trên thế giới cho đến nay. REACH có quyền cấm các công ty trong EU sử dụng các hóa chất bị coi là nguy hiểm.

Tin cùng chuyên mục