EU và khó khăn tự chủ chiến lược

Theo Tạp chí Tri thức thế giới, cuộc xung đột tại Ukraine đã làm cho tình hình an ninh và địa chiến lược ở châu Âu ngày càng xấu đi, đặt ra thử nghiệm thực tế đầy khó khăn đối với quá trình tự chủ chiến lược của Liên minh châu Âu (EU). 

Nhu cầu cấp bách

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến EU và các nước thành viên cảm nhận sâu sắc sự cần thiết và cấp bách của việc nâng cao quyền tự chủ chiến lược, ép buộc nhiều nước châu Âu phải điều chỉnh chính sách quốc phòng. Ngày 28-2, tức ngày thứ 4 xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố dự toán ngân sách quốc phòng hàng năm của Đức từ nay về sau sẽ chiếm hơn 2% GDP và dành 100 tỷ EUR để nâng cấp vũ khí. Tương tự, Đan Mạch và Thụy Điển cũng có kế hoạch tăng tỷ trọng chi tiêu quân sự lên 2% GDP. Các nước Pháp, Bỉ, Romania, Italy, Tây Ban Nha, Ba Lan, Na Uy cũng cam kết tăng chi tiêu quốc phòng.

Binh lính Đức tập trận
Xung đột giữa Nga và Ukraine cũng trở thành chất xúc tác để EU tăng cường xây dựng an ninh và quốc phòng chung. Trung tuần tháng 3 vừa qua, các nhà lãnh đạo của 27 nước EU đã thông qua Tuyên bố chung Versailles, quyết tâm tăng cường năng lực quốc phòng của châu Âu, thúc đẩy tự chủ năng lượng và tăng trưởng kinh tế. Cuối tháng 3, EU đã thông qua kế hoạch hành động La bàn chiến lược an ninh và quốc phòng, được xây dựng trong 1,5 năm, vạch ra các chi tiết trong công tác an ninh và quốc phòng của EU trong 5-10 năm tới. 

Sau khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, sự gắn kết trong nội bộ EU đã tăng lên rõ rệt. Đối mặt với nguy cơ chiến tranh, EU và các nước thành viên đã phản ứng bằng cách nhanh chóng đưa ra một loạt biện pháp với sự đoàn kết nhất trí cao…

Cản trở

Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine cũng khiến EU ngày càng cảm thấy “lực bất tòng tâm” trong việc thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược.

Thứ nhất, cuộc xung đột đã dẫn đến những thay đổi mang tính cấu trúc đối với trật tự an ninh châu Âu, làm lung lay nghiêm trọng 2 nền tảng quan trọng là quốc phòng và kinh tế. Liên minh này đang nhanh chóng tách rời khỏi Nga cả về chiến lược, kinh tế và năng lượng, đồng thời các lệnh trừng phạt lẫn nhau cũng tiếp tục gia tăng. Vì lẽ đó, sự phục hồi kinh tế ở châu Âu, vốn đang được chờ mong do thoát khỏi đại dịch Covid-19, lại ngày càng yếu đi.

Thứ hai, xung đột đã trực tiếp củng cố liên minh chính trị và quân sự giữa châu Âu và Mỹ ở Đại Tây Dương. Cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang không phải là thời điểm tốt để EU tách khỏi chiến lược của Mỹ. Đối với EU, việc duy trì liên minh quân sự hiện nay với Mỹ có thể giúp họ ứng phó tốt hơn với khủng hoảng. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của EU vào quân đội và an ninh của Mỹ càng lớn thì năng lực tự chủ về an ninh và quốc phòng của các nước thành viên càng giảm, và EU sẽ càng bị động khi lợi ích của Mỹ và châu Âu không phù hợp với nhau. Xung đột giữa Nga và Ukraine đã củng cố sự hiện diện của NATO, nhất là ở khu vực phía Đông châu Âu. Hai nước Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển, lâu nay vốn theo đuổi chính sách không liên kết, giờ về cơ bản quyết định gia nhập NATO. Điều này đã tăng cường hơn nữa vị thế chủ đạo của Mỹ và NATO trong cục diện an ninh châu Âu, làm suy yếu tính độc lập chiến lược của EU.

Thứ ba, xung đột đã làm bộc lộ điểm yếu của EU về ngoại giao, quốc phòng, quân sự và kinh tế. Hòa giải ngoại giao do châu Âu tiến hành trước khi xung đột bùng nổ đã không có hiệu quả, và chính sách ngoại giao tập trung được triển khai khi xung đột xảy ra cũng không thể xoa dịu được tình hình. Nội bộ EU luôn tồn tại những bất đồng trong vấn đề an ninh và quốc phòng chung. Càng có nhiều quốc gia thành viên, sự bất đồng về giá trị và lợi ích càng lớn, thì càng khó để đạt được sự thống nhất về mục tiêu. Cùng với đó, những cản trở đối với việc thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược sẽ ngày càng lớn hơn.

Tin cùng chuyên mục